Đồng chí Trường Chinh với Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (kỳ 1)
Đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng ở hai thời điểm đặc biệt của cách mạng Việt Nam (lần thứ nhất vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, chuẩn bị và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc và lần thứ hai vào tháng 7-1986... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
TS. Đặng Văn Thái
Đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng ở hai thời điểm đặc biệt của cách mạng Việt Nam (lần thứ nhất vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, chuẩn bị và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc và lần thứ hai vào tháng 7-1986, khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời ngay trước thềm Đại hội lần thứ VI vài tháng). Trong cả hai thời kỳ này, đồng chí đều có những cống hiến xuất sắc, góp phần quan trọng đưa cách mạng Việt Nam vượt qua những khó khăn, thử thách ngặt nghèo. Bài viết này tập trung làm rõ cống hiến to lớn của đồng chí Trường Chinh trong thời điểm lần thứ hai nhận trọng trách Tổng Bí thư của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội lần thứ VI - Đại hội đổi mới của Đảng.
Ngày 10-7-1986, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, qua đời. Ngày 14-7-1986, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp phiên đặc biệt và đã nhất trí bầu đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhận rõ trách nhiệm trên cương vị mới, trước sự chờ đợi của toàn Đảng, toàn dân trong thời điểm khó khăn của đất nước và dân tộc, đồng chí Trường Chinh đã làm hết sức mình chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VI của Đảng. Nhiều suy tính, quan điểm, khuynh hướng khác nhau đòi hỏi được quy về một mối. Với quỹ thời gian eo hẹp, đồng chí đã tổ chức làm việc chặt chẽ, bảo đảm tiến hành Đại hội đúng thời gian.
Theo kế hoạch đã định, từ giữa năm 1986 đến tháng 11-1986, Đại hội vòng 1 các cấp cơ sở quận, huyện đến tỉnh, thành phố và các đảng bộ trực thuộc Trung ương góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của thực tiễn.
Tháng 7-1986, sau khi sơ bộ tổng hợp ý kiến đóng góp của Đại hội Đảng bộ vòng 1 các cấp, Tổng Bí thư Trường Chinh thấy Dự thảo báo cáo chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; chưa rút ra được những bài học cơ bản từ thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; chưa đề ra được nội dung đổi mới về kinh tế có thể làm chuyển biến tình hình. Sau khi nghiên cứu bản Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ VI, đồng chí Trường Chinh không tán thành và đề nghị dự thảo lần thứ hai và trực tiếp chỉ đạo công việc quan trọng này.
Từ ngày 7 đến ngày 10-7-1986, Ban Chấp hành Trung ương triệu tập Hội nghị cán bộ cấp cao để nghiên cứu Dự thảo báo cáo chính trị. Tại Hội nghị, đồng chí Trường Chinh có bài phát biểu quan trọng đề cập đến một số vấn đề cơ bản trong Dự thảo báo cáo.
Đồng chí nhấn mạnh điểm xuất phát của chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội là rất thấp vì cơ sở vật chất kỹ thuật được xây dựng trước đây, trải qua 30 năm chiến tranh đã bị tàn phá nặng nề; vì một nền tiểu sản xuất là phổ biến, cho nên gây ra tình trạng mất cân đối về lương thực, thực phẩm, năng lượng, nguyên liệu, vật tư..., gay gắt và nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những khuyết điểm, sai lầm chủ quan của chúng ta khiến cho tình hình vốn đã rất khó khăn lại càng khó khăn, phức tạp thêm.
Vì vậy, theo đồng chí, nhiệm vụ nặng nề đặt ra cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng là phải tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Trên cơ sở đó mà cụ thế hóa thêm một bước đường lối, chủ trương đã đề ra từ Đại hội lần thứ IV và Đại hội lần thứ V.
Đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: "Để thực hiện đường lối của Đảng đã được Đại hội lần thứ IV và Đại hội lần thứ V nêu ra, quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đòi hỏi chúng ta phải đổi mới trên nhiều mặt: đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đối mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ. Đại hội VI của Đảng ta phải đáp ứng yêu cầu đó. Bước đổi mới phải được thể hiện trong nội dung các văn kiện của Đảng, trước hết là trong Báo cáo chính trị và trong phương hướng bố trí nhân sự của Trung ương, của các cấp ủy Đảng tại đại hội các cấp và Đại hội toàn quốc lần này.
(còn nữa)