Đóng cửa chợ đầu mối Hóc Môn: Dân không lo thiếu thịt lợn, rau quả
Chợ Hóc Môn (TP.HCM) là một trong những chợ đầu mối lớn của TP. Mỗi ngày, ươc tính có hàng nghìn tấn thịt và rau, củ, quả từ chợ được đưa ra thị trường. Kể từ 0h ngày 28/6, chợ Hóc Môn tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (Công ty Quản lý chợ Hóc Môn), cho biết, Chợ Hóc Môn hiện có gần 400 tiểu thương với khoảng 4.000 người thường xuyên ra vào giao dịch mua bán. Do đó, trước khi đưa ra thông báo tạm ngừng hoạt động, cơ quan chức năng đã thống nhất có khoảng trống thời gian để các tiểu thương chuẩn bị, tiêu thụ hết số hàng hóa đã nhập về, hạn chế tối đa thiệt hại cho người kinh doanh.
Đề cập tới việc cung ứng hàng hóa ra thị trường có bị ảnh hưởng sau khi chợ đóng cửa, đại diện Công ty Quản lý chợ cho hay, chợ Hóc Môn đã mở cửa 18 năm nay nên tất cả mối hàng hóa thân thuộc đều có thể giao dịch qua điện thoại, người dân TP.HCM không cần quá lo lắng về vấn đề này.
“Nguồn cung hàng vẫn đảm bảo, hàng hóa có thể được đóng gói trực tiếp từ các địa phương đưa về nơi tiêu thụ. Lực lượng tài xế sẽ chia nhỏ, phân lẻ cho các mối hàng để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng”, ông Dũng nói.
Ước tính, tổng số lượng thịt và rau, củ, quả tại chợ cung ứng ra thị trường là 2.600-2.700 tấn/ngày đêm, từ 3.600-5.000 con heo được tiêu thụ. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, chủ heo tại các lò giết mổ đã được tiêm chủng vắc xin, trong quá trình giết mổ có lực lượng thú ý giám sát để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thông tin, các tiểu thương có khoảng 36 tiếng để chuẩn bị ứng phó với tình thế tạm đóng cửa chợ, phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Đối với mặt hàng thịt heo tại chợ, các kênh phân phối sẽ mua trực tiếp tại lò giết mổ. Đối với hàng nông sản, thực phẩm, các tiểu thương điều hành việc giao nhỏ hàng qua các kênh cho hàng thông suốt từ các địa phương về các điểm phân phối.
“Tiểu thương điều hành qua điện thoại hoặc các phương tiện online khác. Đồng thời, một số mặt hàng được điều chuyển sang cho chợ Thủ Đức và chợ Bình Điền đảm đương nhiệm vụ phân phối trong thời gian tạm đóng cửa chợ Hóc Môn; đảm bảo hàng hóa lưu thông, cung ứng cho người dân thành phố”, ông Vũ chia sẻ.
Đại diện Sở Công Thương TP. nói thêm, các tiểu thương cơ bản đồng thuận để phục vụ phòng, chống dịch. Việc tạm ngưng chợ Hóc Môn sẽ ảnh hưởng, gây khó khăn nhất định tới việc cung ứng hàng hóa cho một số khu vực. Tuy nhiên, các giải pháp đã được Sở Công Thương và Ban Quản lý chợ tính toán, cơ bản giảm thiểu khó khăn cho bà con.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các hệ thống các siêu thị cũng chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cung ứng ra thị trường. Hiện lượng khách mua đang đổ đến các siêu thị và tăng cường mua hàng online.
Thống kê sơ bộ từ hệ thống VinMart cho thấy lượng khách hàng đến mua sắm trực tiếp tăng khoảng 20%, lượng đơn đặt hàng online tăng trên 50%. Trong đó, riêng phẩm thịt heo, tăng từ 2 tới 3 lần. Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đặc biệt mặt hàng thịt heo, hệ thống siêu thì này đã có kế hoạch cung ứng sản lượng lớn từ các nhà cung cấp lớn như MEATdeli và các nhà cung cấp lớn khác với năng lực cung ứng tới 1800 con heo thịt mỗi ngày. Đến thời điểm hiện tại, nguồn cung hàng hóa vẫn đảm bảo đầy đủ, giá cả ổn định không có hiện tượng tăng giá.
Hệ thống Bách Hóa Xang tăng tần suất phân phối các mặt hàng khô xuống hơn 550 siêu thị thuộc hệ thống trên địa bàn thành phố, tăng nhập mua các mặt hàng tươi sống từ 50-200% tùy từng mặt hàng. Toàn bộ lượng hàng tăng cường trên đã được đáp ứng từ 23/6.
Trong một tuần đóng cửa chợ Hóc Môn tới đây, cơ quan y tế sẽ tiến hành truy vết, khử khuẩn và xét nghiệm, tiêm vắc xin. Một tuần khẩn trương làm nhiều việc để phòng, chống dịch, sau đó mới đưa ra đánh giá tiếp theo về hoạt động của chợ đầu mối này. Ban Quản lý chợ cũng đã lập danh sách khoảng 4.000 người hoạt động tại chợ cần được tiêm vắc xin phòng Covid-19.