'Đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng': Dân gian đã nói, chẳng sai bao giờ!

Sự 'bất nhất' của họ nhiều khi làm cho cuộc hầu đồng lộn xộn, chẳng ra thể thống nào cả, thậm chí thất bại. Mỗi người một phách, không ai chịu ai cả. Đây chính là căn cứ làm nên ngữ nghĩa câu thành ngữ 'đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng'.

“Đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng” là một thành ngữ tiếng Việt liên quan tới tín ngưỡng dân gian. Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải thích câu thành ngữ này như sau: “Đồng thì hay đổ thừa tại cốt; cốt lại hay đổ thừa là tại đồng. Hay dùng để chế giễu thói ưa đổ vấy cho nhau những lỗi lầm do chính mình gây nên”.

Ngữ nghĩa chung là như vậy. Nhưng gốc gác vấn đề bắt nguồn từ một sự tình liên quan tới một tín ngưỡng dân gian xưa (và nay vẫn còn). Đó là chuyện lên đồng.

Hầu đồng. Ảnh: TL

Hầu đồng. Ảnh: TL

Lên đồng hay còn gọi là hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian và tôn giáo thờ Nữ thần Mẹ (Mother Goddess) theo Đạo Mẫu của nhiều dân tộc, trong đó có tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các nhân vật trung gian. Đó là các ông đồng, bà cốt. Hầu đồng là một nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần…

Người đứng giá hầu đồng gọi chung là thanh đồng. Thanh đồng là nam giới thì được gọi là "cậu đồng" hay “ông đồng”, nữ giới được gọi là "cô đồng” hoặc “bà đồng/bà cốt".

Nhạc hát trong hầu đồng thường là chầu văn (cung văn, hát văn với nhiều làn điệu tương ứng với các điệu múa và hình thức diễn xướng khác nhau). Trong lúc thanh đồng đang múa may “hóa thân” thoát tục thì các phụ đồng cũng nghiêng ngả múa theo hưởng ứng cho đến lúc Thánh “thăng” và “phán”. Người đời tin rằng nhờ các các vị thần linh, linh hồn người chết có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền hay trò chuyện với những người đang sống.

Thông qua cuộc trò chuyện âm-dương này, người sống sẽ biết được những yêu cầu của người thân quá cố về mồ mả tổ tiên để điều chỉnh và cúng xin cho phù hợp. Đồng thời, thông qua cuộc đối thoại này, người sống cũng biết được vận mệnh tương lai của mình.

Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần hóa thân vào họ. Một “căn đồng” ứng với một nhân vật thần linh nhất định, còn gọi là “giá”. Hầu đồng ở Việt Nam có tới 36 giá (12 giá cô, 12 giá cậu, 12 giá hỗn hợp). Tùy căn nặng hay căn nhẹ mà tương ứng với số giá cần hầu đồng (có người căn nặng cần 3 giá mới gọi hồn được). “Bóng” chính là từ chỉ hồn người chết hiện về và nhập vào thân xác các thanh đồng theo lời thỉnh cầu của chính họ.

Thanh đồng tham gia hầu giá đồng thường có hai người ngồi hai bên, 1 nam 1 nữ. Đó là ông đồng, bà cốt (Dân gian còn có thành ngữ “một đồng một cốt” với nghĩa là “cùng một giuộc với nhau”). Nhưng hai nhân vật này nhiều khi lại thể hiện sự bất đồng trong việc đưa ra các quyết định cho con nhang, đệ tử hay người nhà cần gọi đồng.

Sự “bất nhất” của họ nhiều khi làm cho cuộc hầu đồng lộn xộn, chẳng ra thể thống nào cả, thậm chí thất bại. Mỗi người một phách, không ai chịu ai cả. Đây chính là căn cứ làm nên ngữ nghĩa câu thành ngữ “đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng”.

Ông đồng một, bà cốt hai

Dân gian đã nói, chẳng sai bao giờ...

PGS-TS. Phạm Văn Tình

(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dong-do-cho-cot-cot-do-cho-dong-dan-gian-da-noi-chang-sai-bao-gio-36510.html