Đóng góp của những nhà giàu trong ngày khai mạc Tuần lễ Vàng năm 1945

Ngay trong ngày khai mạc ban tổ chức đã thu được: 835 lạng 2 đồng cân, trong đó ông bà Lê Cường đóng góp 50 lạng, cụ Trịnh Phúc Lợi và ông bà Trịnh Văn Bô 102 lạng...

Sau ngày Độc lập, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện các biện pháp, chính sách khác nhau, để giải quyết vấn đề cấp bách về tài chính. Có những biện pháp trước mắt cũng như lâu dài đã được đặt ra như: Đấu tranh tiền tệ với các loại tiền quan kim, quốc tệ; thực hiện chính sách bãi bỏ thuế thân; ban hành tín phiếu…. Chính phủ cũng chủ trương dựa vào sức dân, động viên tinh thần yêu nước của nhân dân, vận động nhân dân ủng hộ.

Nguồn lực từ nhân dân

Theo sách Bảo vật quốc gia: Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 - 1946, chỉ 2 ngày sau khi ra mắt, Chính phủ Lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 04 ngày 4/9/1945 thành lập tại Hà Nội và các tỉnh một quỹ gọi là “Quỹ Độc lập”.

Sắc lệnh này nêu rõ: “Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia”.

 Lễ khai mạc Tuần lễ Vàng trước Nhà hát lớn ngày 17/9/1945. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản.

Lễ khai mạc Tuần lễ Vàng trước Nhà hát lớn ngày 17/9/1945. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản.

Đồng thời, Sắc lệnh cũng chỉ định người đứng đầu chịu trách nhiệm và cách thức triển khai tổ chức quyên góp, quản lý quỹ. Ở Hà Nội, ông Đỗ Đình Thiện phụ trách Quỹ Trung ương ở Hà Nội, “mọi việc quyên tiền và đồ vật và việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính”.

Ngay sau khi ban hành Sắc lệnh lập Quỹ Độc lập, để nhanh chóng động viên nguồn lực từ nhân dân, Chính phủ đã tổ chức phát động phong trào “Tuần lễ Vàng”, được tiến hành trong cả nước từ ngày 17/9 đến ngày 24/9/1945, nhằm động viên nhân dân quyên góp tiền bạc, của cải ủng hộ Chính quyền cách mạng.

Theo tường thuật của báo chí đương thời, không khí Tuần lễ Vàng đã diễn ra sôi nổi ngay từ trước khi lễ khai mạc diễn ra.

Báo Nước Nam số 284, ngày 22/9/1945 có bài Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Mề đay vàng. Bài báo cho biết: “Kiều bào nước ngoài có tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một cái mề đay vàng hình ngôi sao năm cạnh, giữa có chữ V.M. Chủ tịch ngỏ ý rằng sẽ tặng mề đay ấy cho vị quốc dân nào nhiệt tâm quyên nhiều vàng nhất trong Tuần lễ Vàng”.

 Bài ca dao tuyên truyền về Tuần lễ Vàng đăng trên Báo Cứu quốc số 40, ngày 11/9/1945. Nguồn: TVQGVN.

Bài ca dao tuyên truyền về Tuần lễ Vàng đăng trên Báo Cứu quốc số 40, ngày 11/9/1945. Nguồn: TVQGVN.

Đề cập đến mục đích và chương trình của Tuần lễ Vàng, báo Cứu quốc số 40, ngày 11/9/1945, bài Tuần lễ Vàng nêu rõ mục đích của chương trình.

Về mục đích: “Muốn đáp lại lòng sốt sắng của quốc dân lo đến việc quốc phòng mà đã thấy rõ chỉ có Vàng mới sắm được chiếu cụ. Muốn có dịp để quốc dân tỏ lòng ủng hộ Chính phủ, tỏ sự hy sinh, cương quyết để bảo tồn đất nước (số Vàng thu được sẽ là kích thước để đo tinh thần cứu quốc của dân chúng). Chính phủ bằng lòng mở một quỹ Độc lập một Tuần lễ Vàng, số vàng thu được sẽ dùng riêng về việc quốc phòng”, bài báo viết.

Về chương trình Tuần lễ Vàng, bài báo cho biết: các thân hào Hà Nội, ban Tuyên truyền Bắc Bộ và ban Trung ương quỹ Độc lập tổ chức tại Hà Nội. Thời gian từ 16/9 đến 24/9/1945. Lễ khai mạc sẽ diễn ra ở Nhà hát lớn, sau đó diễn ra ở 4 khu trong thành phố và một nơi ở Hoàn Long, một nơi ở Gia Lâm. Ngoài ra, bài báo còn cho biết chương trình ngày bế mạc.

Nhấn mạnh vai trò của những nhà giàu có

Cũng trên báo Cứu quốc số 40, ngày 11/9/1945, có đăng một bài ca dao tuyên truyền về Tuần lễ Vàng, có nội dung sau: “Đeo vàng chỉ tổ nặng tai / Đeo kiềng nặng cổ hỡi ai có vàng! Làm dân một nước vẻ vang / Đem vàng cứu nước, giàu sang nào tầy”. “Đổi vàng lấy súng cối xay / Bắn tan giặc nước dựng ngày vinh quang”. “Lúc này làm dáng càng đơ / Hãy đem vàng để phụng thờ nước non / Người còn thì của hãy còn / Nước tan vàng mất vàng son làm gì?”.

Tường thuật về ngày đầu tiên của Tuần lễ Vàng, báo Cứu quốc số 45, ngày 17/9/1945 có bài Tuần lễ Vàng đã bắt đầu. Bài viết cho biết không khí của lễ khai mạc Tuần lễ Vàng ở Nhà hát lớn. “Một khung cảnh đầy rẫy sự hăng hái rộn ràng và cảm động bao quanh kỳ đài được dựng trước những màn đỏ buông rủ từ trên cao xuống công trường Nhà hát lớn.

Trên đài một chiếc đỉnh lớn. Sau đỉnh, một tấm màn rộng, lớn phản chiếu một màu vàng tươi rực rỡ, màu của thứ kim khí quý nhất!

Vàng! Toàn vàng! Suốt buổi lễ khai mạc, vàng được nói đến”.

Bài báo cũng cho biết do bận công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đến dự lễ khai mạc. Người đã gửi một bức thư ủy quyền cho ông Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đọc.

Cũng trên trang 2, Báo Cứu quốc số 45, ngày 17/9/1945 có đăng toàn văn bức thư này với tựa đề Hồ Chủ tịch hô hào. Bức thư có đoạn nhấn mạnh về vai trò của nhân dân, nhất là của những người giàu trong Tuần lễ Vàng.

“Tuần lễ Vàng sẽ thu góp số Vàng trong nhân dân và nhất là của các nhà giàu có để cúng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng.

Tuần lễ Vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút Vàng để phụng sự Tổ quốc”.

 Bài Tuần lễ Vàng đã bắt đầu trên báo Cứu quốc số 45, ngày 17/9/1945. Nguồn: TVQGVN

Bài Tuần lễ Vàng đã bắt đầu trên báo Cứu quốc số 45, ngày 17/9/1945. Nguồn: TVQGVN

Trở lại bài báo Tuần lễ Vàng đã bắt đầu, tác giả cho biết khung cảnh hăng hái, rộn ràng của buổi lễ khai mạc. “VÀNG và VÀNG! Máy truyền thanh phát ra những lời kêu gọi hấp dẫn tới bàn thư ký của ban tổ chức đặt tại kỳ đài, một số người giàu, không giàu và cả nghèo nữa, mỗi lúc một đông thêm”.

Nhấn mạnh đến những đóng góp của người giàu trong ngày lễ khai mạc, bài báo cho biết: ông bà Lê Cường đóng góp 50 lạng, cụ Trịnh Phúc Lợi và ông bà Trịnh Văn Bô 102 lạng… Các nhà giàu khác cũng đóng một số lượng vàng nhất định, người thì 5 lạng, người thì 10 lạng, lại có người 30 lạng…

Tổng kết số vàng quyên góp trong ngày khai mạc, bài báo cho biết ban tổ chức đã thu được tổng cộng số vàng là: 835 lạng 2 đồng cân.

Ở góc nhìn khác, báo Cờ giải phóng số 19, 23/9/1945 cho biết đã có “Tám nghìn người đem nộp vàng, riêng trong hôm đầu” (bài Lòng vàng yêu nước của Điều Tử).

Bài báo còn cho biết tinh thần, sự hăm hở, sự đoàn kết của người dân trước và trong tuần lễ vàng: “Mấy hôm trước, người ta dộn dịp như ngày Tết. Bao nhiêu thanh niên bóp trán suy nghĩ, bao cặp vợ chồng thì thầm bàn tán, bao nhiêu cụ già lục hòm lục tủ, để kiểm tra vàng. Cái vinh hạnh của mọi người là làm sao có chút vàng của mình dâng lên ban thờ Tổ quốc”.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dong-gop-cua-nhung-nha-giau-trong-ngay-khai-mac-tuan-le-vang-nam-1945-post1351639.html