Đóng góp ý kiến xây dựng Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm (Kỳ 1)

(QTO) - Thực hiện Chỉ thị số 35 - CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch số 141-KH/TU, ngày 1/8/2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 35 - CT/TW; nhằm phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Quảng Trị trong tham gia góp ý xây dựng Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã công bố dự thảo Báo cáo chính trị để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý. Báo Quảng Trị trích đăng ý kiến tham gia của cán bộ, đảng viên công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

* Ông NGUYỄN VĂN DÙNG, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị:

Cần tăng cường sự lãnh đạo, định hướng đối với hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật

Mới đây, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tại hội nghị, văn nghệ sĩ trên địa bàn đã có những ý kiến đóng góp cụ thể. Về phần mình, tôi cũng có những góp ý riêng. Trước tiên, tiêu đề văn kiện với 5 thành tố như dự thảo là phù hợp. Phương pháp, nội dung thể hiện nhìn chung là ổn nhưng theo tôi phân tích hơi dàn trải, thiếu tập trung, thiết nghĩ cần chọn cách viết “quy nạp” để báo cáo gọn, chặt chẽ hơn. Về nội dung thể hiện, báo cáo đề cập khá đầy đủ. Tôi chỉ đề nghị viết lại khổ 2 (trang 47) có liên quan đến Hội Văn học Nghệ thuật cho phù hợp, chặt chẽ hơn, cụ thể là: “Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Hội Văn học Nghệ thuật, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật và các tổ chức thành viên xây dựng tổ chức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; khuyến khích các hoạt động tư vấn, phản biện, năng lực sáng tạo văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh…”.

Về các nội dung cụ thể, dự thảo báo cáo đánh giá kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua khá tốt. Trong phần bài học kinh nghiệm có 5 nội dung, tôi nghĩ cần bổ sung bài học: “Kịp thời phát hiện điển hình, cách làm hay, người tốt, việc tốt… qua đó có sự biểu dương, khen thường xứng đáng; đồng thời chủ động phát hiện, xử lý thích đáng, nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực”. Ở phần phương hướng, nhiệm vụ, cần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GRDP; bổ sung dự án mở rộng, nâng cấp khu vực sân để xe và kè bờ biển Di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc vào chương trình, dự án trọng điểm; nêu những giải pháp mạnh mẽ, rõ ràng hơn để xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Hiện nay, sự “tấn công” của công nghệ, mạng xã hội làm ảnh hưởng đến hoạt động văn học nghệ thuật, đặc biệt là văn chương. Tôi mong muốn Đảng tăng cường sự lãnh đạo, định hướng hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho văn nghệ sĩ; chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ phát huy năng lực sáng tạo, góp phần đắc lực vào việc xây dựng nhân cách, lối sống chân - thiện - mỹ của con người Việt Nam thời hội nhập và phát triển.

* Bà HỒ THỊ MINH, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hướng Hóa:

Cần nâng tỉ lệ cơ cấu cán bộ người dân tộc thiếu số

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, về cơ bản tôi nhất trí với bố cục cũng như các nội dung được đưa ra. Một trong những thông tin đáng mừng theo quan điểm cá nhân tôi là công tác cán bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, công tác quy hoạch cán bộ được chú trọng nâng cao chất lượng, có cơ cấu ngày càng hợp lý. Tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số được nâng lên.

Để làm rõ nội dung này, không đánh giá chung chung, phần những thành tựu đạt được trong dự thảo Báo cáo chính trị đã có những số liệu cụ thể về công tác quy hoạch, sử dụng và cơ cấu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ các Huyện ủy Hướng Hóa và Đakrông. Tuy nhiên, trong phần phương hướng, mục tiêu trong thời gian tới lại chưa đưa ra các số liệu cụ thể về việc đào tạo, quy hoạch, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số.

Trong 13 nhóm giải pháp chủ yếu thuộc phần V, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, tôi chú ý đến giải pháp thứ 13 là tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Tại mục 13.4 là đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, dự thảo Báo cáo chính trị nêu rõ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; chú trọng cơ cấu hợp lý cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số…”.

Tuy nhiên, mục tiêu phấn đấu trong công tác đào tạo cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng cho nhiệm kỳ 2020- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 chưa được đưa vào dự thảo Báo cáo chính trị.

Quảng Trị có hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông với khá đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Theo tôi trong phần phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cần nâng tỉ lệ cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số lên ở cấp tỉnh, huyện, nhất là huyện miền núi. Đây là nền tảng để tiếp tục có chiến lược đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là các vị trí chủ chốt, cán bộ làm trong môi trường quốc tế…

* Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh TRẦN VĂN QUẢNG:

Tạo việc làm, giải quyết lao động tại chỗ để tạo nguồn phát triển đảng viên

Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: Công tác xây dựng Đảng được triển khai đồng bộ, quyết liệt, có nhiều điểm mới sáng tạo, hiệu quả, trọng tâm là tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6, khóa XII đạt kết quả quan trọng, khẳng định rõ vai trò, nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng. Trong đó, đáng chú ý là công tác phát triển đảng viên luôn coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng; chú trọng phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, nhờ vậy, số lượng đảng viên kết nạp bình quân hằng năm và trong cả nhiệm kỳ đều vượt chỉ tiêu đề ra.

Ngoài những nhiệm vụ, giải pháp mà dự thảo Báo cáo chính trị đã đề cập, tôi có thêm một số góp ý như sau: Để tạo nguồn và phát triển đảng viên ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì cấp ủy đảng cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về vai trò của Đảng. Cụ thể hóa các chỉ thị, đơn giản hóa các thủ tục, tiêu chí kết nạp đảng viên cho phù hợp với thực tiễn từng địa phương, qua đó tạo điều kiện để quần chúng ưu tú rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.

Một trong những giải pháp quan trọng là phải giải quyết được lao động tại chỗ, tạo công ăn việc làm ổn định cho con em địa phương; khuyến khích người trẻ lập thân khởi nghiệp, hỗ trợ về nguồn vốn vay, cơ chế chính sách để họ phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển dịch vụ thương mại, phát huy các thế mạnh, tiềm năng của địa phương để thu hút lao động, từ đó tạo nguồn ổn định để phát triển đảng viên.

Các cấp ủy đảng cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đảng viên để mỗi đảng viên, mỗi tổ chức đảng là một tấm gương sáng để quần chúng nhân dân học tập, làm theo, từ đó củng cố sức mạnh, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong đời sống Nhân dân.

* Ông CÁP KIM THÁNH, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh:

Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới

Tôi nhận thấy, lĩnh vực kinh tế tập thể đã được BCH Đảng bộ tỉnh quan tâm khi ở phần thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội của tỉnh trong dự thảo Báo cáo chính trị nhiệm kỳ qua có những đánh giá khái quát về kinh tế tập thể, đó là “Khu vực kinh tế tập thể có sự chuyển biến tích cực. Các hợp tác xã đã chuyển đổi hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012 và tiếp tục phát triển đa dạng, hình thành được nhiều dịch vụ, ngành nghề mới theo hướng liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa; loại hình tổ hợp tác tăng đáng kể, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh”.

Tôi cơ bản đồng ý với nhận định trên, tuy nhiên xin đề xuất sửa một chi tiết về loại hình tổ hợp tác. Trong báo cáo nêu loại hình tổ hợp tác đã tăng lên đáng kể nhưng thực tế loại hình tổ hợp tác trong những năm qua không tăng về số lượng.Vì vậy, nên sửa nhận định trên thành: “Loại hình tổ hợp tác từng bước thích nghi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh”.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đều tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Vì thế, tôi đề nghị ở phần phương hướng nhiệm kỳ tới của dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI cần bổ sung thêm các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới, có thể định hướng thông qua một số nội dung như: Đẩy mạnh thực thi các nhóm chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai, tín dụng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã; khuyến khích xây dựng và tổ chức nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác có hiệu quả, hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn sản xuất- chế biến -tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện để hình thành những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản phẩm OCOP…

* Bà ĐỖ THỊ LÝ, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh:

Cần có giải pháp cụ thể về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ

Ở mục 1.4 của dự thảo Báo cáo chính trị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đánh giá “Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; các vấn đề xã hội được chú trọng thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên”. Ở mục này dự thảo đánh giá dựa trên 6 nhóm vấn đề, tuy nhiên tôi đề nghị tách “Công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ” ra khỏi nhóm vấn đề “Chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân”. Vì vấn đề này chỉ được đề cập rất chung ở phần kết quả là “Công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có bước chuyển biến tích cực”, dẫn đến ở phần giải pháp thực hiện cũng chỉ có một câu rất chung là “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, trong khi vấn đề “Bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ, bảo vệ và chăm sóc trẻ em”đang được đánh giá là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh nhằm tạođiều kiện để phụ nữ phát triển tài năng, vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội, bảo đảm tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ở phần 2 phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020 - 2025 có mục các chỉ tiêu chủ yếu, tôi đề nghị ở mục chỉ tiêu về kết nạp đảng viên, nên có thêm chỉ tiêu kết nạp đảng viên nữ để tạo nguồn cán bộ nữ, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Về chỉ tiêu kinh tế - xã hội - môi trường chủ yếu, tôi đề nghị bổ sung chỉ tiêu về số gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo môi trường sống bền vững, vì theo Quyết định 1980/ QĐ-TTg ngày 17/10/2016 về tiêu chí nông thôn mới ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 có chỉ tiêu bắt buộc về tỉ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo “3 sạch” từ 85% trở lên. Vì vậy, bên cạnh các tiêu chí về tỉ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh và tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn đến năm 2025, tỉnh cần bổ sung thêm tiêu chí nhà tiêu hợp vệ sinh để các địa phương có giải pháp thực hiện.

(Còn nữa)

TỔ PHÓNG VIÊN (lược ghi)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=150590