Đồng hành cùng doanh nghiệp, kết nối việc làm tới người lao động

Giải quyết việc làm cho người lao động là biện pháp căn cơ nhất nhằm đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân. Với tầm quan trọng đó, trong thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doạnh nghiệp, hỗ trợ để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo việc làm cho người lao động.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH may Đài Loan (Khu công nghiệp Gián Khẩu). Ảnh: Minh Quang

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH may Đài Loan (Khu công nghiệp Gián Khẩu). Ảnh: Minh Quang

Công ty TNHH DreamPlastic Việt Nam (Cụm công nghiệp Khánh Thượng - Yên Mô) đi vào hoạt động từ tháng 6/2020. Đến nay, đã thu hút hàng nghìn lao động vào làm việc. Trong đó, đa số là lao động địa phương. Bà Triệu Thị Nải, phụ trách nhân sự Công ty cho biết, trải qua nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với việc ứng phó nhanh nhạy, chủ động tìm kiếm thị trường nên Công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất với các đơn hàng lớn. Thậm chí, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, Công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng lao động tại chỗ không đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, vì vậy chúng tôi đăng tải thông tin tuyển dụng lên các kênh thông tin đại chúng, đồng thời gửi nhu cầu tuyển dụng tới nhiều địa phương ở trong và ngoài tỉnh. Việc tuyển dụng lao động hết sức khó khăn.

Đối với Công ty TNHH Thái Bình Dương, hiện nay, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm và bao bì chất lượng cao Pacific tại Khu công nghiệp (KCN) Gián Khẩu của Công ty đã được Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký điều chỉnh đầu tư. Để dự án đầu tư của Công ty hiệu quả, Công ty mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện trong quá trình tuyển dụng lao động, quảng bá, giới thiệu các mặt hàng, sản phẩm của doanh nghiệp ra thị trường. Những khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đã được đại diện của một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH DreamPlastic Việt Nam và Công ty TNHH Thái Bình Dương trao đổi trong buổi làm việc trực tiếp với các ngành chức năng, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá, qua buổi làm việc cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp mới nêu số lượng nhu cầu tuyển dụng chứ chưa nêu được cụ thể về vị trí việc làm, trình độ tay nghề và thời gian tuyển dụng. Doanh nghiệp đã được hướng dẫn để xác định lại nhu cầu tuyển dụng lao động theo ngành nghề; kế hoạch tuyển dụng lao động từng thời điểm (trước mắt, lâu dài) để thuận tiện trong việc tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động. Ngành chức năng cũng hướng dẫn các doanh nghiệp tích cực cải thiện điều kiện làm việc để thu hút được lao động lâu dài.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm nền kinh tế thế giới giảm sút, tăng trưởng chậm, hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đơn hàng bị cắt giảm, nguồn cung nguyên vật liệu hạn chế.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Công Thương và UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của 55 doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hoặc có đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Sau khi nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng lao động cụ thể của các doanh nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động như: Thông báo, đăng tải thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin (đài truyền thanh, cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, sàn giao dịch việc làm…) để người lao động có nhu cầu biết và đăng ký tuyển dụng; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh lân cận hỗ trợ tuyển dụng lao động. Kết nối giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh để cơ sở đào tạo thông tin đến người học xu hướng việc làm phù hợp; khuyến khích doanh nghiệp và cơ sở đào tạo ký kết hợp tác đào tạo cho lao động...

Đặc biệt, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, tư vấn cho lao động thất nghiệp biết và tham gia ứng tuyển. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng đã chủ động, linh hoạt triển khai nhiều biện pháp nhằm kết nối cung - cầu lao động.

Ông Nguyễn Văn Thục, Trưởng Phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực thời kỳ "hậu" COVID-19, nhưng với sự chủ động, linh hoạt, nhiều doanh nghiệp vẫn ổn định và phát triển sản xuất, liên tục có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Từ đầu năm tới nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận hàng chục nghìn chỉ tiêu việc làm do các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng. Nhằm kết nối nhà tuyển dụng với người lao động, thời gian qua, Phòng thông tin thị trường lao động đã xây dựng cơ sở dữ liệu về cungcầu lao động, lên kế hoạch tuyển dụng cho các phiên giao dịch việc làm hàng tháng. Đặc biệt, Trung tâm đã ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động.

Theo đó, thay vì tổ chức tuyển dụng lao động trực tiếp tại sàn giao dịch, Trung tâm đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm dưới hình thức trực tuyến; đăng thông tin tuyển dụng lên các website để người lao động trực tiếp trao đổi với nhà tuyển dụng…

Với những nỗ lực đó, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước giải quyết việc làm cho 9.985 người (đạt 51,46% kế hoạch năm); trong đó xuất khẩu lao động là 750 người (đạt 53,57% kế hoạch năm). Trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm; rà soát, tổng hợp nhu cầu việc làm của người lao động để tư vấn, định hướng đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động… Từ đó, có kế hoạch cung ứng lao động đảm bảo cả về số lượng và chất lượng lao động, nhất là với những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dong-hanh-cung-doanh-nghiep-ket-noi-viec-lam-toi-nguoi-lao/d20230623101223351.htm