Đồng hành cùng ký túc xá biên cương

Để chăm lo sự học cho học sinh người dân tộc Đan Lai, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã cho ra mắt mô hình 'Đồng hành cùng ký túc xá biên cương'.

Thiếu tá Phan Văn Thắm chia sẻ bên mâm cơm của các em nội trú. (Ảnh: NVCC)

Thiếu tá Phan Văn Thắm chia sẻ bên mâm cơm của các em nội trú. (Ảnh: NVCC)

Đan Lai là một trong 11 dân tộc thiểu số rất ít người của cả nước, chỉ phân bố tại Nghệ An. Các em nhỏ người Đai Lai còn gặp rất nhiều khó khăn vì cái nghèo và con đường từ nhà đến trường xa xôi, cách trở…

Đến từng nhà vận động học sinh đến trường

Khi các trường học cả nước rộn rã trở lại trường sau kỳ nghỉ Hè, thì Thiếu tá Phan Văn Thắm - Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Môn Sơn và đồng đội vẫn đến gia đình người Đan Lai ở hai bản khó khăn nhất của vùng biên giới Môn Sơn, là bản Búng và Cò Phạt, vận động gia đình có con học hết cấp một đi học cấp hai dịp năm học mới.

Thiếu tá Phan Văn Thắm chia sẻ: “Do một phần tâm lý các em học xong lớp Năm còn nhỏ, sợ xa gia đình, không muốn vào khuôn khổ trường lớp. Nhiều cha mẹ không muốn con đi học, do trước đây các em nhỏ Đan Lai từ 7-8 tuổi trở lên đã theo cha mẹ vào rừng hay ra sông thả lưới mưu sinh, nên có những hộ chúng tôi phải kiên trì vận động nhiều lần, cố gắng để trước ngày khai giảng năm học mới, các em đều đến trường”.

Trung tá Nguyễn Tiến Hạnh, Chính trị viên, Phó Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết: “Địa bàn Đồn quản lý có 80% dân tộc Thái, 8% dân tộc Kinh và 12% là tộc người Đan Lai.

Một số đồng bào dân tộc Đan Lai còn giữ các tập tục cổ hủ như: người chết được quấn chăn chiếu đem chôn chứ không có quan tài, hòm cho người chết; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đời sống tách biệt, xa văn minh, văn hóa mới.

Phụ nữ thường lấy chồng sớm, sinh con và phụ thuộc vào chồng. Đàn ông thì uống rượu, vào rừng chặt cây, phá rừng, bắt ong mưu sinh, nên đời sống rất nghèo nàn, lạc hậu”.

Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 280 về bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia xã Môn Sơn. Năm học 2004-2005, Đồn biên phòng vận động được 11 cháu là người Đan Lai đi học cấp hai. Số học sinh tăng dần theo mỗi năm.

Năm 2018, Đồn Biên phòng Môn Sơn phối hợp với địa phương và một số tổ chức xây dựng “Ký túc xá biên cương” để hỗ trợ việc học tập của học sinh Đan Lai ổn định hơn.

Trong năm học 2022-2023, trường THCS Môn Sơn có 72 em người Đan Lai, trong đó có 30 học sinh nam, còn lại là học sinh nữ.

Gia đình các em ở bản Búng và bản Cò Phạt, khi học tiểu học, các em có điểm trường lẻ trong bản, nhưng lên THCS thì phải ra trung tâm xã với quãng đường từ 15-20 km, chủ yếu là đường đèo dốc hiểm trở hoặc nhiều em phải ngồi thuyền vượt sông Giăng đến trường, nên ở nội trú là cần thiết.

Do không phải là trường Dân tộc nội trú, nên các thầy cô giáo và nhà trường gặp nhiều khó khăn trong tổ chức, quản lý số học sinh ở tại “Ký túc xá biên cương”.

Để khắc phục tình trạng này, ngày 14/11/2022, Đồn Biên phòng Môn Sơn phối hợp UBND xã và nhà trường ra mắt mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên” tại trường THCS Môn Sơn. Để thực hiện nhiệm vụ này, Đồn cử một tổ công tác đặc biệt thuộc Đội vận động quần chúng vào thực hiện nhiệm vụ “cắm trường” tại khu nội trú.

Bộ đội biên phòng Môn Sơn chỉ bảo kỹ năng sống mỗi ngày cho học sinh Đan Lai. (Ảnh: NVCC)

Bộ đội biên phòng Môn Sơn chỉ bảo kỹ năng sống mỗi ngày cho học sinh Đan Lai. (Ảnh: NVCC)

Những công việc ý nghĩa của “tổ cắm trường”

Các cán bộ, chiến sĩ đã giúp đỡ các học sinh người Đan Lai sớm làm quen, hòa nhập với cộng đồng; trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt, học tập gần với môi trường quân đội; tạo đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh, hỗ trợ, rèn luyện, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh.

Anh Phan Văn Thắm cho biết: “Chúng tôi coi các em học sinh Đan Lai như con của mình. Mỗi ngày đều sẻ chia, chăm sóc các em như cắt tóc, dạy các em vệ sinh thân thể, làm vườn, giặt quần áo, túc trực khi các em cảm sốt, đau ốm không kể ngày đêm”.

Với mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá biên cương”, số lượng học sinh nữ đông hơn học sinh nam có thuận lợi là các em ngoan, dễ uốn nắn vào nề nếp.

Tuy nhiên, “tổ cắm trường” cũng gặp khó khăn do đều là nam giới, trong khi, ở lứa tuổi cấp hai, học sinh nữ bắt đầu bộc lộ thay đổi rõ về giới tính. Rất may, Đồn Biên phòng Môn Sơn có nữ cán bộ biên phòng - Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh, đã cùng các cô giáo trong trường phối hợp hỗ trợ, dạy bảo học sinh nữ cặn kẽ các vấn đề liên quan giới tính.

Trung tá Trần Thanh bộc bạch: “Hầu hết các em trong độ từ 11-12 tuổi lần đầu xa bố mẹ, đến môi trường mới chưa quen, thường trốn học về nhà. Tôi lại cùng các đồng đội tỉ tê mỗi ngày, hướng dẫn kỹ năng sống cho các bé gái. Tôi cũng có con gái nên hiểu được tâm sinh lý của các con tuổi mới lớn. Tôi dạy các em tắm giặt, gội đầu, tết tóc, chăm sóc sinh lý, làm đẹp”.

Từ ngày được “mẹ Thanh biên phòng” chỉ dẫn, yêu thương vỗ về, những cô bé Đan Lai đã tự giác học tập, biết vệ sinh cá nhân, không trốn học đi chơi hay bỏ học về nhà nữa.

Hằng ngày, trường THCS Môn Sơn vang lên tiếng còi báo thức của tổ biên phòng lúc 5h30 mùa Hè, mùa Đông là 6h hoặc 6h15 để các em dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng và lên lớp đúng giờ.

Sau một ngày học tập, tiếng còi đi ngủ lại vang lên lúc 21h mỗi tối, cùng tiếng điểm danh của bộ đội biên phòng.

Anh Phan Văn Thắm kể: “Các em học sinh nữ đông, nhất là lứa tuổi lớp Tám, lớp Chín dễ sa đà yêu đương. Trước đây, với tập tục cũ thì tuổi này các em đã yêu đương, thậm chí lấy chồng sớm.

Tuy nhiên, giờ đây các em phải đi học nên ngày nào chúng tôi cũng tuyên truyền phòng chống tảo hôn, rằng các em chưa đủ tuổi trưởng thành để xây dựng gia đình hay làm mẹ, cần chú tâm học tập, sau này đi làm không còn vất vả, nghèo khó như cha mẹ...”.

Vừa tiếp nhận công tác ở trường học mới, anh Lê Duy Thuận, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn, cho biết: “Năm nay, tôi sẽ chuyển công tác, nhưng tình cảm với bộ đội biên phòng - những người luôn giúp đỡ, hỗ trợ thầy trò trường THCS Môn Sơn sẽ còn mãi. Trước đây, việc duy trì số học sinh đến trường vô cùng khó khăn, nay các em đến trường ổn định, ở ký túc xá có đầy đủ chăn màn, được ăn uống, sinh hoạt tốt, nên các em không trốn học bỏ về nhà nữa”.

Thầy Thuận tự hào chia sẻ: “Trước đây, các em học hết lớp Chín là ở nhà lấy chồng, lấy vợ hoặc đi làm ăn xa, nay hầu hết các em học đã học lên phổ thông hoặc học nghề. Năm học qua, có hai em người Đan Lai đoạt giải Nhì và giải Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi của huyện. Đây là chuyện chưa từng có”.

MINH SƠN

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-hanh-cung-ky-tuc-xa-bien-cuong-248596.html