Đồng hành cùng người chăn nuôi theo hướng bền vững, hiệu quả

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Nha Thú y được thành lập thuộc Bộ Canh Nông. Sắc lệnh 125-SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 11/7/1950 về phòng chống dịch bệnh gia súc là một trong những văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực thú y.

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2024.

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2024.

Từ nền tảng đó, ngành Thú y Việt Nam từng bước được củng cố và phát triển, luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong từng giai đoạn lịch sử, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày 11/7 đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là “Ngày truyền thống của ngành Thú y” theo Quyết định số 664/QĐ-TTg năm 2005.

Thành lập từ năm 1990, tiền thân là Chi cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La đã trải qua 34 năm xây dựng và phát triển, gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn Sơn La. Mặc dù trải qua nhiều lần thay đổi về tổ chức, nhưng nhiệm vụ chính của Chi cục luôn hướng tới việc phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, đảm bảo ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, nhấn mạnh: Hằng năm, Chi cục đã phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, các xã tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và phòng, chống dịch bệnh cho các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi. Thực hiện tốt các biện pháp cấp bách khoanh vùng, điều tra dịch tễ, kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, hạn chế lây lan dịch bệnh. Tham mưu, hướng dẫn các huyện, thành phố chủ động triển khai tiêm phòng cho vật nuôi. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm như tụ huyết trùng, dịch tả lợn cổ điển, cúm gia cầm, lở mồm long móng,... đã được kiểm soát hiệu quả.

Giai đoạn 2011-2024, Chi cục đã phối hợp với các địa phương triển khai chương trình tiêm phòng quy mô lớn, với hơn 22,5 triệu liều vắc xin được tiêm cho gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Huy động xã hội hóa tiêm phòng 275.000 liều vắc xin viêm da nổi cục cho trâu, bò; cấp phát hàng trăm nghìn lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng, đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn. Nhờ đó, đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, với tổng đàn đạt 505.800 con trâu, bò; 6.500 con ngựa; 171.000 con dê; 686.240 con lợn và gần 8 triệu con gia cầm.

Chi cục tích cực phối hợp với các địa phương xây dựng quy trình giám sát, thẩm định, kiểm tra, đánh giá và công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành. Đến nay, toàn tỉnh đã có 26 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn với các bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, cúm gia cầm H5N1 và bệnh Niu-cát-xơn.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát BLLT, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, chia sẻ: Trong quá trình hoạt động, Công ty luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ ngành chăn nuôi, thú y tỉnh trong việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Công ty đã áp dụng quy trình nuôi lợn khép kín, có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh theo từng giai đoạn phát triển, có cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã chủ động thiết lập hệ thống kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, với 1 Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông tại huyện Vân Hồ và 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại huyện Phù Yên. Trong giai đoạn 2018-2023, gần 5 triệu con gia súc, gia cầm đã được kiểm tra, giám sát khi xuất, nhập, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh và chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Hợp tác quốc tế về chăn nuôi được coi trọng, đã có hàng chục nghìn hộ chăn nuôi được hưởng lợi, có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ về giống, di truyền, sức khỏe vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, từ các dự án: “Can thiệp dựa vào chăn nuôi hướng tới sinh kế bình đẳng và cải thiện môi trường ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam”; “Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới (SAPLING)...

Anh Hà Văn Kim, bản Khoa, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Tham gia Dự án “Can thiệp dựa vào chăn nuôi hướng tới sinh kế bình đẳng và cải thiện môi trường ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam”, chúng tôi được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, trồng cỏ và thụ tinh nhân tạo... Qua đó thay đổi tập quán chăn thả sang nuôi nhốt, tự hoạch định sản xuất, thương mại hóa sản phẩm chăn nuôi, từng bước chuyển đổi sản xuất hàng hóa tập trung.

Trong 34 năm đồng hành cùng người chăn nuôi, ngành Chăn nuôi, Thú y Sơn La đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Chi cục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, liên kết theo chuỗi giá trị; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi; chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, hỗ trợ người chăn nuôi tiếp cận kiến thức và kỹ thuật mới, hướng tới mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững, hiện đại và hiệu quả.

Bài, ảnh: Phan Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/dong-hanh-cung-nguoi-chan-nuoi-theo-huong-ben-vung-hieu-qua-yE3LuolSg.html