Đồng lòng kiểm soát, chủ động an toàn trước thiên tai
Thiên tai ngày càng diễn biến khốc liệt, cực đoan, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Mặc dù công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã chủ động hơn, hiệu quả hơn, hướng đến tính chuyên nghiệp, hoàn thiện hơn song để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, cần sự nỗ lực vào cuộc hơn nữa của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn xã hội, tiến tới kiểm soát, chủ động an toàn trước thiên tai.
Thiên tai ngày càng diễn biến khốc liệt, cực đoan, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Mặc dù công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã chủ động hơn, hiệu quả hơn, hướng đến tính chuyên nghiệp, hoàn thiện hơn song để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, cần sự nỗ lực vào cuộc hơn nữa của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn xã hội, tiến tới kiểm soát, chủ động an toàn trước thiên tai.
Khốc liệt, khó lường
Chặng đường 75 năm hình thành và phát triển của ngành phòng, chống thiên tai (PCTT) đã trải qua biết bao đợt thiên tai lớn, lịch sử, để lại hậu quả nặng nề trong đời sống người dân. Năm 1945, trận lũ ở đồng bằng sông Hồng gây vỡ đê 79 điểm, lụt lội khắp nơi trong thời gian dài, gây nạn đói lịch sử khiến hơn hai triệu người chết. Năm 1955, cơn bão mạnh đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh khiến hơn 30 tuyến đê bị vỡ và sạt lở, gần 10 nghìn ngôi nhà bị cuốn trôi, hơn 600 người chết. Cơn bão Linda (1997) đổ bộ vào Cà Mau làm 778 người chết, 2.123 người mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng 7.200 tỷ đồng. Bão Chan Chu (2006) làm 256 người mất tích trên biển, 10 người chết, 13 tàu bị chìm; 5 tàu mất tích. Bão Damrey (2017), đổ bộ vào khu vực tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa làm 123 người chết, mất tích, thiệt hại kinh tế hơn 22.680 tỷ đồng. Sau bão là ngập lụt. Trận "đại hồng thủy" lớn nhất thế kỷ 20 xảy ra ở đồng bằng Bắc Bộ vào tháng 8-1971 làm hơn 100 nghìn người chết và mất tích, làm ngập hơn 200 nghìn ha đất sản xuất. Tiếp đến, trận "đại hồng thủy" xảy ra tại miền trung tháng 11-1999, nước ngập trắng 10 tỉnh, thành phố, làm 818 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế hơn 4.150 tỷ đồng. Tiếp đó, cơn lũ năm 2000 tại đồng bằng sông Cửu Long đạt mức lớn nhất trong 76 năm, gây ngập lụt nghiêm trọng trên lưu vực sông Mê Công. Ðợt lũ này đã làm 539 người chết, 212 người bị thương, hơn 9.457 căn nhà bị sập hoàn toàn; hơn 500 nghìn người phải cứu trợ khẩn cấp, hơn 800 nghìn học sinh phải nghỉ học một đến ba tháng...
Thiên tai còn xảy ra ngay tại Thủ đô Hà Nội. Ðợt mưa lớn trái mùa tháng 11-2008 đã vượt qua mọi dự báo và gây ra trận lụt lịch sử làm 17 người chết, gần 13 nghìn hộ dân ven đê ngập nhà cửa. Mới đây nhất, trong khoảng hai tháng năm 2020 (từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11), xảy ra dồn dập chín cơn bão (từ số 5 đến số 13) và hai áp thấp nhiệt đới, gây ngập lụt hơn 317 nghìn nhà dân, sạt lở đất, lũ quét ở nhiều nơi, làm 249 người chết, mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng 30 nghìn tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, hầu như năm nào nước ta cũng gặp các trận bão, lũ, lụt kinh hoàng. Thiệt hại về người và tài sản trong những năm qua là những vết thương hằn sâu không bao giờ lành. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của ngành PCTT, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay, những trận bão, lũ lớn đã cơ bản được kiểm soát và thiệt hại do lũ lụt thiên tai dần dần được chế ngự. Tròn 75 năm - một chặng đường nâng cao vượt bậc về nhận thức và hành động của Việt Nam trong PCTT đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của công tác này trước những đòi hỏi của cuộc sống, cộng đồng, quốc gia, khu vực và thế giới.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Trước tình hình thiên tai ngày càng diễn ra khốc liệt và cực đoan, cùng sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, sự khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, việc sử dụng, điều tiết nguồn nước của các nước thượng nguồn sông Hồng, sông Mê Công đã tác động mạnh mẽ làm gia tăng các rủi ro thiên tai. Tại Việt Nam, trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm hơn 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và có xu thế ngày càng gia tăng thiệt hại về kinh tế, tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Thách thức càng cấp bách, yêu cầu khách quan từ thực tiễn đòi hỏi phải có một cơ quan quản lý PCTT chuyên trách, hoạt động có hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất từ T.Ư đến địa phương. Ngày 3-7-2017, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Tổng cục PCTT thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ðây là cơ quan quản lý nhà nước về PCTT kiêm nhiệm văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT. Sau gần bốn năm hoạt động, với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương, công tác PCTT hiện nay đã có những bước tiến vượt bậc, từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTT, đê điều từng bước được tăng cường, hoàn thiện.
Song song với hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống tổ chức về PCTT các cấp từ T.Ư đến địa phương cũng đã được kiện toàn. Từ năm 2019, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, cùng sự tham gia của một số bộ trưởng các bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ để tăng cường năng lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành PCTT, đáp ứng yêu cầu công tác PCTT. Ở địa phương, Ban Chỉ huy PCTT các cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập do chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban. Tuy nhiên, hiện trên cả nước mới có ba trong số 63 tỉnh, thành phố thành lập văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT chuyên trách cấp tỉnh là Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðắk Lắk. Những văn phòng này đã tham mưu giúp UBND, Ban Chỉ huy PCTT cấp tỉnh triển khai đồng bộ, đẩy mạnh công tác PCTT, đạt được nhiều kết quả nổi bật, cần tổng kết, đánh giá để đẩy mạnh nhân rộng mô hình này tại các địa phương.
Hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra không thể không nhắc đến công tác tìm kiếm cứu nạn mà nòng cốt là lực lượng quân đội, công an và các lực lượng xung kích. Khi có thiên tai lớn, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước thường xuyên trực tiếp chỉ đạo ở tất cả các khâu, từ phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Năm 2020, các bộ, ngành huy động 207.642 lượt cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và 7.062 lượt phương tiện tham gia ứng phó; tổ chức kêu gọi, thông báo, hướng dẫn cho hơn hàng trăm nghìn lượt tàu thuyền di chuyển tránh bão. Tổ chức sơ tán 283 nghìn hộ với gần một triệu dân đến nơi an toàn. Phương châm "4 tại chỗ" từ kinh nghiệm dân gian được luật hóa trở thành nguyên tắc cơ bản trong PCTT. Ðến nay, 75% số xã đã có lực lượng xung kích PCTT, đây là lực lượng tại chỗ, triển khai ứng phó ngay từ giờ đầu.
Những năm qua, hệ thống đê điều, công trình phòng, chống lũ được đầu tư, bảo đảm an toàn chống lũ. Hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện cũng góp phần kiểm soát lũ. Chính phủ đã đầu tư củng cố các khu neo đậu, hoàn thành 66 khu neo đậu với công suất hơn 46 nghìn tàu. Hệ thống thiết bị giám sát định vị hành trình, bảo đảm an toàn khi ra khơi được triển khai lắp đặt cho gần 20 nghìn tàu, thuyền công suất lớn.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng truyền thông, công tác điều hành chỉ đạo đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều cuộc họp trực tuyến với sự tham gia đông đảo của đội ngũ cán bộ PCTT trên khắp mọi miền đất nước được triển khai thường xuyên; công tác điều hành chỉ đạo được thực hiện qua hệ thống thông tin trực tuyến, rút ngắn phần lớn thời gian chỉ đạo điều hành, đưa quyết định chỉ đạo điều hành PCTT theo thời gian thực, kịp thời nhất góp phần bảo đảm an toàn cho nhân dân trước diễn biến nhanh chóng và khó lường của thiên tai.
75 năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế, đó là cơ sở vật chất và nguồn lực về tài chính, việc kiểm soát an toàn thiên tai còn thiếu cơ sở pháp lý, thiếu trang thiết bị dự báo, cảnh báo, công trình PCTT chưa đáp ứng… Khi có sự cố thiên tai lớn, nhiều phương án ứng phó chưa phù hợp ở nhiều địa phương, việc điều phối và giải pháp chuyên môn đối với các lực lượng tham gia chưa đạt hiệu quả cao. Phương tiện cứu hộ, cứu nạn thiếu, không phù hợp, chưa bảo đảm tiếp cận cứu người bị nạn; người làm công tác cứu hộ cứu nạn, điều hành PCTT thiếu trang thiết bị bảo vệ, trang thiết bị chuyên dùng.
Nhằm xây dựng xã hội an toàn và quốc gia chủ động PCTT, quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, thay đổi tư duy phát triển, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó, cần kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác này theo hướng tập trung, thống nhất, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo. Nâng tầm hoạt động của cơ quan PCTT các cấp theo hướng chuyên trách, trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
TS TRẦN QUANG HOÀI
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT