Động lực chinh phục châu Phi rộng lớn
Vẫn còn tồn tại không ít thách thức, khó khăn trên hành trình chinh phục khu vực châu Phi rộng lớn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao, cả Việt Nam và các quốc gia châu Phi đều đã sẵn sàng cho hành trình mới.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao.
Xin ông nêu ý nghĩa và mục đích của Hội thảo “Hợp tác Việt Nam - châu Phi: Kinh nghiệm quản lý rủi ro trong hợp tác kinh tế với các nước châu Phi” ngày 6/12 tới?
Tiếp nối thành công của Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi” được tổ chức lần đầu tiên tháng 9/2019 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tổ chức Hội thảo lần này nhằm tạo diễn đàn trao đổi trực tiếp giữa các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam với Đại sứ các nước châu Phi, đại diện giới ngoại giao đoàn và các tổ chức quốc tế, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về một chủ đề hết sức thiết thực là quản lý rủi ro, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng quan trọng về thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi.
Hội thảo đem tới cho doanh nghiệp cơ hội cùng thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về cách thức nhận diện cũng như tháo gỡ khó khăn, xử lý rủi ro trong tình huống cụ thể khi triển khai hợp tác kinh tế với châu Phi. Các doanh nghiệp sẽ không chỉ được lắng nghe các bài học thành công trong hợp tác với châu Phi mà cả những bài học có giá trị để giúp doanh nghiệp biến thách thức, rủi ro thành cơ hội và kết quả hợp tác cụ thể, hướng tới thành công bền vững.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng quan hệ hợp tác Việt Nam – châu Phi trong những năm tới?
Tiềm năng hợp tác, nhất là kinh tế giữa Việt Nam và các nước châu Phi còn rất lớn. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Phi chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 1,5% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của Việt Nam và thế giới. Châu Phi là khu vực duy nhất Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do/ưu đãi. Hợp tác với châu Phi mới tập trung vào một số nước và trong những lĩnh vực nhất định. Trong khi đó, Việt Nam và châu Phi đang nắm trong tay những thuận lợi hết sức quan trọng.
Sau hơn 30 năm kiên định con đường Đổi mới, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới với GDP tăng bình quân 6,67%. Việt Nam là thành viên của nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… Việt Nam được đánh giá nằm trong tốp 12 quốc gia thành công nhất về thu hút đầu tư nước ngoài với số vốn cam kết đầu tư 340 tỷ USD từ gần 130 quốc gia và đối tác.
Kết quả đó đã tạo ra nội lực mới cũng như nhu cầu mới trong hợp tác kinh tế với các nước trên thế giới, trong đó có châu Phi. Giới doanh nghiệp, nhất là từ khu vực tư nhân đang phát triển rất năng động ngày càng quan tâm hợp tác với khu vực. Cơ cấu và chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam về cơ bản phù hợp với thị trường châu Phi trong khi Việt Nam có nhu cầu lớn đối với nhiều nguồn nguyên, nhiên liệu, hàng hóa từ châu lục.
Về phía các nước châu Phi, với khoảng 1,2 tỷ dân, chủ yếu là lực lượng lao động trẻ, môi trường hợp tác ngày càng được cải thiện nhờ xu thế hòa bình, liên kết khu vực và quốc tế, tập hợp đông đảo các nền kinh tế năng động, châu Phi đang vươn lên trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng quan trọng của thế giới. Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) ký tháng 3/2018 vừa có hiệu lực tháng 5/2019 sẽ tạo nên khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới về số lượng các nước tham gia (chỉ sau WTO). Đây chính là động lực đầy hứa hẹn giúp kinh tế châu Phi tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ tới.
Các đại biểu tại Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi”, tháng 9/2019. (Ảnh: Tuấn Anh)
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các quốc gia châu Phi. Cùng hướng tới các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc (LHQ) về phát triển bền vững, phát huy thành tựu của Cách mạng khoa học công nghệ 4.0, Việt Nam và các quốc gia châu Phi có những điều kiện hết sức thuận lợi để thúc đẩy hợp tác chính trị - ngoại giao và kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực giàu tiềm năng như thương mại, đầu tư, năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp, lao động, du lịch…
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực trong khuôn khổ hợp tác Nam – Nam hay các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương khác, góp phần vào sự phát triển bao trùm và bền vững của mỗi nước cũng như đóng góp chung vào hòa bình và phát triển trên khu vực và thế giới. Ở bình diện khu vực, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với Liên minh châu Phi (AU) và các tổ chức tiểu khu vực tại châu lục.
Đặc biệt, khi đảm nhận hai trọng trách Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam có thể là cầu nối để thúc đẩy các nội dung hợp tác hai bên cùng quan tâm trong khuôn khổ ASEAN đồng thời tham gia đóng góp, quyết định các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực và thế giới, trong đó có nhiều vấn đề tại châu Phi.
Tuy nhiên, bên cạnh các mặt thuận lợi cơ bản, vẫn còn tồn tại không ít thách thức, khó khăn trên hành trình chinh phục khu vực châu Phi rộng lớn. Có thể kể đến sự xa cách về địa lý, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, thiếu thông tin về môi trường, tập quán kinh doanh, chính sách thương mại - đầu tư, hệ thống pháp lý, cơ chế thanh toán... của nhau, dẫn đến sự hiểu biết chưa đầy đủ, thậm chí tâm lý e ngại khi hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên. Đây là rào cản cần vượt qua để mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước khu vực.
Thưa ông, đâu là nền tảng quan trọng để khẳng định vào tương lai phát triển của quan hệ Việt Nam – châu Phi?
Với Việt Nam, quan hệ hợp tác với các nước châu Phi là quan hệ có bề dày truyền thống, thủy chung và luôn được quan tâm đặc biệt. Mối quan hệ này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo châu Phi đặt nền móng từ những thập kỷ 50, 60 của thế kỷ XX, trong giai đoạn Việt Nam và các nước châu lục cùng tiến hành các cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập dân tộc.
Bước sang giai đoạn mới, Việt Nam và các nước châu Phi đồng lòng phát huy di sản quan hệ quý giá đó để mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của mỗi nước, đồng thời góp phần vào hòa bình, hợp tác và phát triển tại mỗi khu vực cũng như trên thế giới. Trong những năm qua, hợp tác Việt Nam với các nước châu Phi đã đạt được kết quả rất đáng tự hào.
Trên bình diện chính trị-ngoại giao, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 54/55 quốc gia châu Phi là thành viên AU và đang thúc đẩy việc lập quan hệ ngoại giao với quốc gia duy nhất còn lại là Malawi. Việt Nam đã thiết lập mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao tại tám nước châu Phi (Ai Cập, Algeria, Angola, Morocco, Mozambique, Nam Phi, Nigeria và Tanzania), cử bốn Lãnh sự danh dự (Uganda, Sudan, Cameroon và Bờ Biển Ngà) tám nước châu Phi đã mở Đại sứ quán tại Hà Nội (Ai Cập, Algeria, Angola, Libya, Morocco, Mozambique, Nam Phi và Nigeria) và hai nước cử Lãnh sự danh dự tại Việt Nam (Bờ Biển Ngà và Guinea Bissau).
Thời gian qua, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và các nước châu Phi tích cực thăm lẫn nhau, tiêu biểu hai năm vừa qua có chuyến thăm Ai Cập, Ethiopia của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang (2018), Tanzania của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (7/2019), bốn nước Nigeria, Cameroon, Bờ Biển Ngà, Nam Phi của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (28/10 và 5/11/2019). Việt Nam và các nước châu Phi tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương; đặc biệt, tại cuộc bỏ phiếu ngày 7/6 vừa qua tại LHQ, tất cả các nước châu Phi đã bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Năm 2014, những người “lính cụ Hồ” của Việt Nam bắt đầu lên đường đóng góp vào nỗ lực gìn giữ hòa bình của LHQ tại châu Phi. Đến nay, gần 200 lượt binh sĩ, bác sĩ, y sĩ... Việt Nam đã và đang có mặt tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan để tham gia vào các Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại đây cũng như triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 (10/2018) số 1 và số 2 (11/2019) tại Nam Sudan.
Trong lĩnh vực thương mại - đầu tư, trao đổi thương mại hai chiều tăng hơn 250% từ 2,52 tỷ USD lên 6,6 tỷ USD giai đoạn 2010-2018. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được thành công nhất định trong triển khai các dự án ở châu Phi với tổng vốn cam kết trên 3 tỷ USD trong các lĩnh vực như viễn thông, dầu khí, thủy điện, xây dựng nhà máy xi măng... ở Cameroon, Burundi, Tanzania, Mozambique, Algeria...
Các nước châu Phi đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD vào Việt Nam. Nông nghiệp là một trong những điểm sáng của hợp tác Việt Nam – châu Phi. Việt Nam đã triển khai thành công một số dự án hợp ba, bốn bên với các nước châu Phi như dự án hợp tác song phương hoặc ba, bốn bên tại châu Phi Senegal, Congo, Benin, Mozambique, Namibia, Chad... và từng được coi như hình mẫu trong hợp tác Nam – Nam.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-luc-chinh-phuc-chau-phi-rong-lon-105629.html