Động lực cho vùng đệm…

Thực hiện chương trình hỗ trợ cộng đồng dân cư ở các địa phương vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, tạo việc làm, nhiều năm qua, VQG PN-KB đã phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ sinh kế, xây dựng các công trình phúc lợi. Qua đó, giảm áp lực lên tài nguyên rừng, hướng tới quản lý bảo vệ rừng bền vững, bảo vệ tốt di sản; đồng thời tạo động lực cho các địa phương vùng đệm phát triển…Đến nay, VQG PN-KB đã cung cấp, hỗ trợ hơn 122.500 cây giống các loại, 311 con lợn giống, 61 con bò giống, 60 con dê giống, 14.700 còn gà giống, trên 100 đàn ong giống; hỗ trợ vật liệu để cải tạo, nâng cấp hơn 20 nhà văn hóa; hỗ trợ mua bàn ghế, loa máy, trang trí hội trường nhà văn hóa ở các thôn, bản; hỗ trợ vật liệu làm đường nội đồng 1,6km; hỗ trợ vật liệu làm chuồng bò nuôi nhốt tập trung; hỗ trợ kinh phí làm 6 giếng khoan cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt; hỗ trợ 89 bồn chứa nước inox…

Hỗ trợ sinh kế, phúc lợi...

Gia đình ông Đinh Xuân Hòa (SN 1953), thôn Bồng Lai 2, xã Hưng Trạch (Bố Trạch) là một trong những hộ dân được VQG PN-KB hỗ trợ mô hình sinh kế để phát triển sản xuất, hướng tới giảm nghèo bền vững.

Theo chia sẻ của ông Hòa, trước đây, cuộc sống của gia đình còn gặp nhiều khó khăn, bởi vậy, ông và những người dân trong thôn Bồng Lai 2 thường hay vào rừng chặt gỗ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Từ khi VQG PN-KB được công nhận là di sản, ông và người dân trong thôn từ giã công việc khai thác gỗ trong rừng. Giờ, là người dân ở vùng đệm di sản, ông Hòa xác định trách nhiệm bảo vệ di sản của mình càng nặng nề hơn.

“Năm 2021, gia đình tôi cùng một số hộ dân ở thôn Bồng Lai 2 được nhận hỗ trợ 30 đàn ong từ VQG PN-KB, riêng gia đình tôi được hỗ trợ 4 đàn ong. Sau khi nhận được hỗ trợ sinh kế, tôi đã được cán bộ VQG PN-KB hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong lấy mật. Từ 4 đàn ong được hỗ trợ, nay, tôi đã phát triển mô hình thành 12 đàn ong. Mỗi năm, đàn ong của gia đình cho thu hoạch khoảng 100 lít mật ong, tạo thu nhập đáng kể…”, ông Hòa cho hay.

Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Bồng Lai 2 Hoàng Văn Bình cho hay, trước đây, VQG PN-KB thực hiện một số mô hình sinh kế cho người dân trong thôn, như: Nuôi ong, trồng huê… nhưng chỉ được một số hộ dân trong thôn hưởng lợi. Nay, VQG PN-KB đã thực hiện chuyển từ hỗ trợ sinh kế cho người dân sang hỗ trợ vật liệu làm các công trình phúc lợi để toàn bộ cộng đồng dân cư trong thôn được hưởng lợi…

Hỗ trợ sinh kế cho người dân sống trong vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Hỗ trợ sinh kế cho người dân sống trong vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

“Mỗi năm thôn được hỗ trợ 40 triệu đồng tiền mua vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi. Hiện, thôn có hơn 86m đường giao thông và 110m kênh mương thủy lợi từ hỗ trợ của VQG. Qua đó, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn…”, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Bồng Lai 2 chia sẻ.

Xã Xuân Trạch (Bố Trạch) có 10 thôn, trong đó 7 thôn nằm trong vùng đệm, vùng giáp ranh của VQGPN-KB. Để hỗ trợ người dân, nhiều năm qua, VQG PN-KB đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng với nhóm hộ ở địa phương; đồng thời sử dụng nguồn kinh phí bảo vệ rừng hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn và nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ rừng, bảo vệ di sản. Đến nay, nhiều công trình điện đường, trang cấp thiết chế văn hóa ở các nhà văn thôn được đầu tư xây dựng…

“Cuộc sống của người dân xã Xuân Trạch còn nhiều khó khăn, lại sống cạnh rừng, bởi vậy, tác động đến tài nguyên rừng không phải là không có. Hiện, địa phương đã đạt 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều nhà văn hóa, đoạn đường giao thông đã được nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất khá tốt từ nguồn hỗ trợ hàng năm của VQG PN-KB. Điều đó khẳng định vai trò rất lớn của VQG PN-KB trong việc hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương…”, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch Hoàng Hữu Thăng cho hay.

Giảm áp lực lên tài nguyên rừng

Vùng đệm VQG PN-KB có diện tích hơn 220.000ha, gồm có 13 xã thuộc 3 huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Ninh. Dân số vùng đệm trên 65.000 người, gồm nhiều dân tộc khác nhau, như: Kinh, Bru-Vân Kiều; đời sống người dân còn rất khó khăn, thiếu đất canh tác, sinh kế một số nơi còn chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tài nguyên rừng.

Thành viên Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững VQG PN-KB Trần Ngọc Anh thông tin, để tạo sinh kế, giảm áp lực lên tài nguyên rừng VQG PN-KB, đơn vị đã phối hợp với chính quyền các địa phương, đơn vị, tổ chức liên quan tiến hành hỗ trợ 13 xã vùng đệm giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các công trình phục vụ đời sống dân sinh, các thiết chế văn hóa. Nhiều mô hình đã phát huy được hiệu quả kinh tế, như: Mô hình nông lâm kết hợp với chăn nuôi, nuôi gà lấy thịt và nhân giống gà, trồng nấm ăn và nấm dược liệu, nuôi ong lấy mật, đan lát hàng mây tre đan, mô hình rừng cộng đồng…

Bên cạnh đó, hàng năm, VQG PN-KB ký kết hợp đồng bảo vệ rừng với người dân thôn, bản vùng đệm, vùng lõi, vùng giáp ranh; tạo việc làm cho người dân địa phương tham gia trực tiếp các hoạt động du lịch, như: Nhiếp ảnh, bán hàng lưu niệm, nhà hàng ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ, phục vụ đưa đón khách tham quan bằng thuyền trên sông Son; tham gia phục vụ khách tham quan tại các tuyến, điểm du lịch...

“Năm 2024, theo kế hoạch, từ nguồn vốn của chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, VQG PN-KB sẽ hỗ trợ khoảng 1,6 tỷ đồng cho 40 thôn, bản vùng đệm (40 triệu đồng/thôn, bản); đồng thời từ chương trình thỏa thuận chi trả nguồn phát thải rừng gần 1,9 tỷ đồng sẽ thực hiện hỗ trợ sinh kế cho 37 thôn, bản (50 triệu đồng/thôn, bản). Các hoạt động phát triển cộng đồng, hỗ trợ sinh kế, góp phần tạo việc làm cho người dân, giảm nghèo, nâng cao hiệu quả kinh tế cộng đồng; đặc biệt giảm áp lực lên tài nguyên VQG PN-KB…”, ông Trần Ngọc Anh thông tin.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202406/dong-luc-cho-vung-dem-2218851/