Động lực để phụ nữ vươn lên

Không chỉ đóng vai trò là người 'giữ lửa', là hạt nhân kết nối, sợi dây gắn kết tình cảm trong gia đình, phụ nữ ngày nay còn tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò của mình đối với sự phát triển của xã hội.

Chị Vũ Thị Mười (thứ 5 từ phải qua), chủ cơ sở Yến Ngọc Beauty thay mặt Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Đồng Nai tặng áo dài cho nữ sinh trong chương trình Áo dài cùng con đến trường do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức. Ảnh: N.Sơn

Chị Vũ Thị Mười (thứ 5 từ phải qua), chủ cơ sở Yến Ngọc Beauty thay mặt Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Đồng Nai tặng áo dài cho nữ sinh trong chương trình Áo dài cùng con đến trường do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức. Ảnh: N.Sơn

Để làm tròn vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình, tham gia công tác xã hội, ngoài sự nỗ lực của bản thân, phụ nữ còn nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình, sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và xã hội.

Luôn có “hậu phương” vững chắc

Thạc sĩ Trần Hạnh, Trưởng khoa Y - dược - khoa học cơ bản, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai luôn thấy mình may mắn khi có gia đình hạnh phúc. Đây chính là nguồn động lực để chị làm tốt vai trò của mình ngoài xã hội.

Kết quả này không phải tự nhiên mà có. Theo chia sẻ của chị Hạnh, khi mới về chung nhà, 2 vợ chồng chưa thật sự hiểu nhau nên cũng có lúc xảy ra bất hòa. Chị đã mạnh dạn trao đổi, thống nhất với chồng về việc thẳng thắn chia sẻ khi có những vấn đề chưa hài lòng về nhau để đôi bên cùng thấu hiểu và có sự điều chỉnh. Từ đó, khi gặp bất cứ điều gì không hài lòng về nhau, vợ chồng chị đều lựa chọn thời điểm thích hợp để trao đổi.

Không chỉ nhận được sự quan tâm của người bạn đời, chị Hạnh còn nhận được sự chia sẻ của các con. “Sau mỗi bữa cơm tối, cả gia đình tôi sẽ cùng ngồi trò chuyện, ăn trái cây. Ngoài hỏi han việc học tập của các con, vợ chồng tôi cũng không quên kể cho các con về công việc của mình. Từ đó, các con thấy được sự vất vả của cha mẹ mà nỗ lực tự lập, tự học” - chị Hạnh bộc bạch.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh LÊ THỊ THÁI, cho biết, không chỉ quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên khẳng định vị thế, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm đến phụ nữ yếu thế nhằm tạo sự bình đẳng giữa các tầng lớp phụ nữ trong xã hội.

Với chị Nguyễn Thị Thắm, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Nhơn Trạch, chị còn nhận được sự hỗ trợ hết lòng từ phía cha mẹ chồng.

Chị Thắm cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Công nghiệp 4 (nay là Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh), chị vào làm việc tại Huyện đoàn Nhơn Trạch với vai trò kế toán. Tháng 2-2011, chị chuyển về công tác tại Hội LHPN huyện Nhơn Trạch cho đến nay. Trong quá trình công tác, chị được tạo điều kiện tham gia các khóa học nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

Thấy chị vất vả, cha mẹ chồng chị tình nguyện hỗ trợ bằng cách nhận chăm sóc, đưa đón cháu đi học. Nhờ vậy mà chị lần lượt hoàn thành các khóa học đúng tiến độ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn.

Xã hội quan tâm, tạo điều kiện

Gắn bó với Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai đến nay đã được 17 năm, chị Trần Hạnh không thể nào quên những ân tình mà các thế hệ cán bộ, giảng viên ở ngôi trường này đã dành cho chị. Trong thời gian làm việc tại trường, ở mỗi giai đoạn chị còn được Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trưởng tạo điều kiện kiêm thêm các công tác khác nhau. Công việc nhiều hơn nhưng với chị, công việc kiêm nhiệm là cơ hội để chị rèn luyện và trưởng thành.

Bên cạnh việc tạo cơ hội thể hiện năng lực, chị Hạnh còn được Đảng ủy, Ban giám hiệu, đồng nghiệp tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chị Hạnh kể, trước năm 2014, anh Nguyễn Hồng Quang (Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai) khi ấy mới là Trưởng phòng Tổ chức - hành chính khuyên chị cố gắng học lên thạc sĩ. Thời điểm đó, con chị còn nhỏ nên chị lưỡng lự chưa muốn học. Chính anh Quang là người đã tìm thông báo của Trường đại học Vinh liên kết tuyển sinh trình độ thạc sĩ học tại tỉnh Long An. Sự nhiệt tình của anh đã khiến chị quyết định thi tuyển và đi học thạc sĩ.

Thời điểm đi học thạc sĩ, chị đang là Bí thư Đoàn trường. Hoạt động đoàn thường rơi vào ngày thứ bảy, chủ nhật trùng với lịch học của chị. Lúc này các anh chị em trong Ban Chấp hành Đoàn trường sẽ choàng gánh công việc để chị yên tâm đi học.

Hành trình khởi nghiệp của chị Vũ Thị Mười, chủ cơ sở Yến Ngọc Beauty (phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) cũng đầy gian nan nhưng nhờ có sự khích lệ từ gia đình, xã hội mà chị đã nỗ lực khởi nghiệp thành công.

Cách đây 16 năm, chị Mười mở được trung tâm của riêng mình. Chị Mười cho biết, nếu như đi làm thuê, chị chỉ làm chuyên môn nhưng bước ra làm chủ, ngoài việc thường xuyên nâng cao chuyên môn, chị còn phải phụ trách thêm công tác quản lý, điều phối nhân sự, phát triển dịch vụ, chăm sóc khách hàng…

Những năm gần đây khi công việc kinh doanh dần đi vào nề nếp, chị tham gia Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Đồng Nai. Nhờ đó mà chị có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với nhiều nữ doanh nhân và các tầng lớp phụ nữ, giúp chị có thêm động lực để tự tin phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Nga Sơn

Nhà thiết kế Xuyến Trần, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất):

Chủ động học tập, nâng cấp bản thân

Cuộc sống hiện đại với bộn bề lo toan công việc, gia đình, nhưng tôi nghĩ rằng phụ nữ dù bận rộn thế nào cũng cần dành thời gian để học tập, nâng cấp bản thân mỗi ngày. Bởi chỉ khi có kiến thức, kỹ năng, phụ nữ mới làm tốt hơn vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội; mới có thể cống hiến cho cộng đồng bằng khả năng của mình. Với vai trò là một nhà thiết kế áo dài - đơn vị đồng hành chương trình Áo dài cùng con đến trường do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức (hỗ trợ thiết kế, may áo dài cho nữ sinh), tôi vẫn đang nỗ lực mỗi ngày để lan tỏa giá trị của áo dài Việt Nam trong cộng đồng.

Chị Phạm Nguyễn Hà Vy, sinh viên Trường đại học Công nghệ Đồng Nai:

Cần phấn đấu cho bình đẳng thực chất

So với phụ nữ ngày xưa, phụ nữ ngày nay được ưu ái hơn rất nhiều. Phụ nữ ngày nay có rất nhiều cơ hội để học tập nâng cao trình độ, kỹ năng; có quyền bình đẳng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên trong thực tế, đâu đó vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố bất bình đẳng giữa nam và nữ, giữa các nhóm phụ nữ với nhau. Tôi cho rằng, bản thân phụ nữ vẫn cần nỗ lực định vị bản thân, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới thực chất.

Bà Hoàng Thị Tào, xã Tà Lài (huyện Tân Phú):

Quan tâm hơn đến phụ nữ vùng đồng bào dân tộc

Phải khẳng đình rằng, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc vẫn gặp không ít khó khăn về vật chất, tinh thần cũng như tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tôi mong muốn, thời gian tới sẽ có nhiều hơn những chương trình, hoạt động đến được với phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tạo động lực để chị em phụ nữ dân tộc vươn lên.

Cẩm Tú (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202410/dong-luc-de-phu-nu-vuon-len-fd23518/