Động lực phát triển kinh tế biển
'Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, triển khai có hiệu quả quy hoạch tỉnh, phù hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch cấp quốc gia, làm cơ sở định hướng cho phát triển lâu dài, xác định rõ vị trí, vai trò của trung tâm du lịch và kinh tế biển, tạo 'đòn gánh' để liên kết vùng miền Trung và Tây Nguyên' - Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, mở đầu cuộc trao đổi đầu Xuân Tân Sửu 2021 với phóng viên Báo Biên phòng.
Thế mạnh của vịnh nổi tiếng thế giới
- Mục tiêu của tỉnh Khánh Hòa đề ra đến năm 2025 là phát triển trung tâm kinh tế biển, du lịch, dịch vụ lớn của cả nước. Vậy, dựa vào đâu để tỉnh đạt được mục tiêu đó, thưa đồng chí?
- Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh chúng tôi ba vịnh nổi tiếng thế giới: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, với thời tiết ôn hòa. Đây là lợi thế để Khánh Hòa phát triển du lịch biển, đảo ở tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Mỗi vùng vịnh đều có những lợi thế riêng, vẫn tập trung ưu tiên đầu tư phát triển về cảng biển, du lịch, nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất công nghệ cao gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh.
Vịnh Vân Phong đang nổi lên và được nhà đầu tư “nhòm ngó” hơn cả, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút 158 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỉ USD. Có 8 dự án đã thỏa thuận chủ trương, đang thực hiện thủ tục đầu tư với tổng vốn 10,3 tỉ USD. Đến nay, nhiều công trình hạ tầng quan trọng tại khu vực Nam Khu kinh tế Vân Phong đã hoàn thành đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các dự án.
- Huyện Trường Sa được xem là ngư trường thủy sản lớn nhất nước, nhưng khá xa với đất liền. Trong chiến lược xây dựng và phát triển các căn cứ dịch vụ hậu cần nghề cá tại các xã, thị trấn Trường Sa như thế nào?
- Trường Sa nằm trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đã có chương trình hành động, xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế, an sinh xã hội của huyện Trường Sa. Tập trung vào khai thác hải sản, du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thời gian vừa qua, được sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, trực tiếp là Bộ Quốc phòng, tỉnh đã xây những trung tâm dịch vụ hầu cần - kỹ thuật nghề cá ở một số xã, thị trấn của huyện Trường Sa. Đây là những nơi trú bão gió an toàn, cung cấp nước ngọt, nhiêu liệu... cho tàu đánh cá trong tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước ra khu vực này khai thác thủy sản.
Thời gian tới, tỉnh sẽ cùng với Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh bão và dịch vụ hậu cần nghề cá chắc chắn, hiện đại hơn. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ người dân đóng tàu có công suất lớn, công nghệ hiện đại, đủ khả năng vươn ra đánh bắt ở ngư trường Trường Sa.
3 vùng động lực
- Khánh Hòa đang sử dụng cụm từ: “Ba vùng kinh tế động lực” thay thế cho “Ba vùng kinh tế trọng điểm” trước đây của tỉnh. Theo đồng chí, “động lực” có ý nghĩa như thế nào cho hiện tại và tương lai?
- Căn cứ vào điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cách sân bay Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) trên 40km, Chính phủ sẽ đầu tư nâng cấp sân bay Tuy Hòa lớn hơn, phục vụ luôn cho Vân Phong. Tại Vân Phong sẽ hình thành cảng tổng hợp nước sâu, đón tàu cỡ lớn của thế giới, tạo nên cửa ngõ cho Khu kinh tế Nam Phú Yên phát triển, hàng hóa đi đường biển của tỉnh Đắk Lắk và tỉnh khác cũng qua Vân Phong. “Động lực” thứ nhất có ý nghĩa phát triển lan tỏa cho toàn vùng, chứ không chỉ dừng lại tại địa phương nhỏ.
Vùng động lực thứ 2, là Cam Ranh, có sân bay quốc tế, cảng biển, du lịch... Tập trung phát triển ở khu vực này mạnh lên, nó kéo theo phát triển cho tỉnh Ninh Thuận. Thời gian vừa qua, gần như toàn bộ hành khách và các loại thiết bị phục vụ công nghiệp điện... của tỉnh Ninh Thuận đều thông qua sân bay và cảng Cam Ranh.
Vùng động lực thứ 3, vịnh Nha Trang được xếp vào những vịnh đẹp nhất thế giới. Sân bay quốc tế Cam Ranh có đường bay thẳng đến nhiều thành phố của Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Malaysia... Kết hợp hệ thống khách sạn 3 - 5 sao, từ đảo đến ven bờ của thành phố Nha Trang, kéo dài vào bãi dài Cam Ranh, tạo nên chuỗi liên hoàn dịch vụ, du lịch ở đẳng cấp quốc tế. Du lịch Nha Trang phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm hỗ trợ, tạo động lực cho các tỉnh Nam Trung Bộ phát triển theo.
- Tôi từng nghe đồng chí phát biểu: “Người lãnh đạo phải đeo bám công việc”. Vậy, lĩnh vực nào được lãnh đạo tỉnh phải “đeo bám” đến cùng?
- Tỉnh Khánh Hòa có sửa đổi quy chế làm việc, vừa đoàn kết, vừa kỷ cương, kỷ luật trong công vụ, làm sao cho “chạy việc” nhanh và hiệu quả hơn. Lãnh đạo tỉnh phải xuống gặp cơ sở, doanh nghiệp, lắng nghe những tâm tư, khúc mắc nào họ đang gặp phải, cùng nhau ngồi lại bàn bạc, tháo gỡ ngay. Trên tỉnh gửi công văn xuống dưới huyện giao việc gì đó, sau 1 tuần chưa thấy trả lời, phải gọi điện hoặc cử cán bộ xuống tận nơi hỏi, vì sao chậm, vì sao chưa triển khai? Nếu ở dưới xã gửi công văn lên huyện, huyện gửi lên tỉnh, sau thời gian ngắn chưa thấy trả lời, cán bộ xã lên thẳng huyện, tỉnh hỏi cho “ra việc”. Khái quát “đeo bám” việc là như vậy đó.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hải Luận (thực hiện)
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-luc-phat-trien-kinh-te-bien-post437222.html