Động lực thúc đẩy nghề truyền thống ở Ngũ Kiên

Duy trì và phát triển theo hình thức "Cha truyền con nối" từ nhiều đời nay, nghề làm bánh cuốn, bún thôn Tân An, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường đã được UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Vĩnh Phúc”. Điều này không chỉ khẳng định thương hiệu, vị thế làng nghề mà còn là động lực thúc đẩy người dân duy trì và phát triển nghề truyền thống, lưu giữ các ẩm thực, sản phẩm mang đậm nét văn hóa đặc trưng quê hương.

Đầu tư máy móc hiện đại, nghề truyền thống bún, bánh cuốn xã Ngũ Kiên đáp ứng tốt nhu cầu thị trường

Đầu tư máy móc hiện đại, nghề truyền thống bún, bánh cuốn xã Ngũ Kiên đáp ứng tốt nhu cầu thị trường

Với việc lựa chọn nguyên liệu kỹ lưỡng từ các loại gạo có hàm lượng tinh bột cao như Khang dân, Si23..., sản phẩm bún, bánh sản xuất ở thôn Tân An có độ trắng, dẻo và ngon đặc trưng.

Trước đây, bún, bánh cuốn ở đây được người dân sản xuất theo hình thức thủ công nên phải trải qua nhiều công đoạn, sử dụng nhiều dụng cụ, từ việc ngâm gạo, ủ chua, nghiền bột, lọc bột, vắt bún, hấp bún.

Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây, công nghệ phát triển, nhu cầu tiêu thụ tăng, người làm nghề ở thôn Tân An đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại sản xuất bún, bánh cuốn.

Nhờ đó, người làm nghề cũng bớt nhọc nhằn, rút ngắn được nhiều thời gian, công đoạn, đặc biệt năng suất cao hơn, số lượng sản xuất nhiều, mẫu mã, chất lượng sản phẩm ngày càng cải thiện.

Vào những năm thịnh vượng của nghề, riêng thôn Tân An có khoảng 50 hộ sản xuất bún, bánh cuốn.

Hiện nay, máy móc thay thế nhiều cho sức người nên trong thôn chỉ còn 8 hộ làm sản xuất bánh cuốn, bún bằng máy, tạo việc làm tại chỗ cho hàng chục lao động và hàng trăm lao động trong thôn đi tiêu thụ tại các thị trường trên địa bàn trong và ngoài huyện, góp phần nâng cao thu nhập.

Với vị thơm của gạo quê, ngon, mềm, dẻo, cộng kinh nghiệm của người làm nghề, bánh cuốn, bún ở thôn Tân An được nhiều khách hàng đặt mua làm quà biếu cho người thân, bạn bè, là món ăn chính trong các bữa tiệc mừng nhà mới, cưới, hỏi trên địa bàn.

Mức thu nhập bình quân của lao động làm nghề bánh, bún khoảng 400.000 đồng/lao động/ngày, 800.000 đồng/hộ. Đối với khách hàng đem bánh, bún đem đi tiêu thụ mức thu nhập 300.000 đồng/ngày.

Anh Nguyễn Bá Thu, một người dân trong thôn chia sẻ: Làm bún tuy vất vả, phải thức khuya, dậy sớm nhưng đổi lại, thu nhập ổn định ngay tại quê nhà, đặc biệt góp phần gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Để làm ra những sợi bún trắng, dẻo và ngon người làm nghề phải có kinh nghiệm, công phu, cẩn thận trong từng công đoạn, kèm bí quyết gia truyền riêng.

Vào mùa cưới, dịp lễ, Tết nhu cầu tiêu thụ bún, bánh cuốn thường tăng, nhiều khi gia đình làm không đủ hàng cung cấp ra thị trường.

Với 1 máy sản xuất bún, 1 máy làm bánh cuốn, trung bình 1 ngày, gia đình cung cấp ra thị trường 3 tạ bánh cuốn, 1 tạ bún, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Ngũ Kiên đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tạo mọi điệu kiện về thủ tục hành chính, quỹ đất, vốn vay ưu đãi cho các hộ làm nghề đổi mới công nghệ sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm; không thu phí chợ; ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19...

Ông Lê Công Niên, Phó chủ tịch UBND xã Ngũ Kiên cho biết: Nghề và làng nghề truyền thống ra đời, tồn tại và phát triển góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa tinh thần và văn hóa ẩm thực, các phong tục tập quán địa phương; tạo việc làm tại chỗ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Vĩnh Phúc” cho 8 nghề truyền thống, trong đó, xã Ngũ Kiên có 2 nghề bánh cuốn và bún.

Dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian tới, UBND xã tiếp tục ưu tiên phát triển các nghề chế biến lương thực, thực phẩm bánh, bún; phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt chú trọng những sản phẩm có chất lượng cao, mang tính truyền thống.

Bên cạnh đó, mong muốn tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng khu sản xuất bánh, bún tập trung đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và môi trường sống của nhân dân.

Giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nghề truyền thống tham gia vào các hội chợ, triển lãm, điểm trưng bày sản phẩm…, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Hồng Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72644/dong-luc-thuc-day-nghe-truyen-thong-o-ngu-kien.html