Động lực tích cực cho cả vùng kinh tế

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM nhận được sự ủng hộ rất cao của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Các ĐB đều kỳ vọng việc triển khai nghị quyết của TPHCM sẽ thực sự đạt hiệu quả cao.

* Đồng chí PHAN VĂN MÃI, Chủ tịch UBND TPHCM: Sẵn sàng tâm thế triển khai nghị quyết mới

Dự thảo nghị quyết thay Nghị quyết 54 của Quốc hội đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của ĐBQH cho việc hoàn thiện dự thảo cũng như triển khai hiệu quả Nghị quyết mới sau khi được thông qua. Thành phố trân trọng cảm ơn Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương, các địa phương, ĐBQH đã chỉ đạo, đồng hành, ủng hộ, đóng góp cho dự thảo nghị quyết.

Rút kinh nghiệm từ việc triển khai Nghị quyết 54, song song với việc tham mưu dự thảo nghị quyết mới, chúng tôi cũng có các bước chuẩn bị, sẵn sàng tâm thế triển khai nghị quyết khi được Quốc hội thông qua. Cụ thể, TPHCM đang chuẩn bị để đầu tháng 7 sẽ tổ chức hội nghị cán bộ toàn thành phố nhằm triển khai nghị quyết mới, chỉ thị của Thành ủy và các kế hoạch triển khai khác. UBND TPHCM đã phân công các sở, ngành và phối hợp cơ quan tư vấn, chuyên gia chuẩn bị các nội dung, kế hoạch để xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và trình HĐND TPHCM để kịp thời thể chế hóa các cơ chế, chính sách. Chúng tôi phấn đấu cơ bản sẽ thông qua các nội dung cần thiết phải thể chế hóa trong năm nay để những năm còn lại tập trung tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, thành phố chủ động phối hợp với Bộ KH-ĐT và các cơ quan Trung ương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn. Thành phố sẽ lập Ban Chỉ đạo, các Tổ công tác để triển khai nghị quyết, đồng thời đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát tiến độ - kết quả thực hiện nghị quyết. Hàng năm, TPHCM sẽ sơ kết để kịp thời có biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện nghị quyết đạt kết quả cao nhất.

TPHCM cũng sẽ củng cố lại tổ chức, bộ máy, nâng tinh thần, tâm thế của cán bộ để sẵn sàng tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết mới. Đặc biệt là việc tập trung xây dựng năng lực thực thi của đội ngũ ngang tầm nhiệm vụ để đủ sức cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các nội dung của nghị quyết. Điều này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gợi ý thành phố là không chỉ HĐND TPHCM thông qua các nghị quyết về đề án, kế hoạch mà phải xây dựng một đội ngũ đủ sức thẩm định để thông qua và đủ sức giám sát, còn UBND TPHCM phải tổ chức lực lượng để tổ chức thực hiện.

Thời gian qua, thành phố đã quán triệt việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo của hệ thống và cán bộ, công chức, viên chức thông qua các hội nghị cán bộ, chỉ thị... Thành phố cũng phân công trách nhiệm rõ ràng, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; tiếp tục thực hiện nghiêm quy chế phối hợp công tác giữa các ngành, các cấp; thực hiện nghiêm việc khen thưởng, kỷ luật đối với tập thể, cá nhân. Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ công tác của UBND TPHCM...

"TPHCM củng cố lại tổ chức, bộ máy, nâng tinh thần, tâm thế của cán bộ để sẵn sàng tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết mới. Chúng tôi tin tưởng với truyền thống năng động, sáng tạo và lòng tự tôn của cán bộ, công chức, viên chức, TPHCM sẽ tổ chức thực hiện nghị quyết mới đạt kết quả cao nhất"

* ĐBQH TẠ VĂN HẠ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Quan trọng nhất là khâu thực hiện

Tôi hoàn toàn ủng hộ có nghị quyết để tạo cho TPHCM bứt tốc phát triển nhanh. Vấn đề bây giờ là khâu tổ chức thực hiện. Theo tổng kết, đánh giá của Nghị quyết 54, chủ yếu có 3 hạn chế chính liên quan đến khâu thực hiện: một số nội dung triển khai chậm; một số cơ chế thực hiện hiệu quả thấp; một số chính sách chưa được quy định cụ thể, phải chờ văn bản hướng dẫn. Có rất nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan có và một trong những nguyên nhân chủ quan đó là sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan trung ương và địa phương còn hạn chế, chưa chặt chẽ. Quá trình triển khai rõ ràng còn bất cập, riêng lĩnh vực của Bộ KH-ĐT, TPHCM đã có gần 600 văn bản để hỏi và Bộ KH-ĐT cũng có 604 văn bản trả lời. Vậy 44 nội dung cơ chế, chính sách đặc thù trong nghị quyết mới này có gỡ được hết toàn bộ những vướng mắc của TPHCM không? Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ. Do đó, khi triển khai nghị quyết mới lần này, TPHCM phải rút kinh nghiệm cũng như có những giải pháp cụ thể để có thể thành công như mong đợi.

Chúng ta có nghị quyết rồi nhưng đội ngũ cán bộ phải bảo đảm năng lực để khi nghị quyết ra đời là phải làm việc được ngay. Bên cạnh đó, khâu giám sát phải kịp thời, phải quy trách nhiệm rõ ràng của người đứng đầu. Cuối cùng, phải bảo đảm đủ nguồn lực để triển khai nghị quyết.

* ĐBQH TRƯƠNG XUÂN CỪ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Cần có cơ chế đặc biệt thu hút nhà khoa học hàng đầu thế giới

Việc Quốc hội ban hành kịp thời nghị quyết cho TPHCM là rất cần thiết, nhận được sự ủng hộ cao, vì thành phố là đầu tàu, là trung tâm động lực phát triển của cả nước. Có chính sách để TPHCM bứt phá phát triển là điều đương nhiên. Hà Nội, TPHCM phải là động lực để cả nước phát triển.

Tôi quan tâm đến chính sách để thu hút các nhà khoa học đầu ngành đến TPHCM làm việc, vì hiện TPHCM chưa làm được điều này. Khi thu hút được chuyên gia nước ngoài, chất lượng đào tạo sẽ thay đổi rõ rệt; như Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel hiện nay phát triển nhanh là nhờ một phần chiến lược thu hút chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Do đó, cần có chính sách đặc biệt thu hút nhà khoa học nước ngoài để tạo đột phá về khoa học công nghệ - yếu tố then chốt để TPHCM thúc đẩy tăng trưởng.

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

* ĐBQH NGUYỄN TRÚC SƠN, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Phải phân cấp, phân quyền thật sự mạnh mẽ

Tôi đề nghị đối với TPHCM phải phân cấp, phân quyền thật sự mạnh mẽ. Chúng ta chuyển từ việc tiền kiểm sang hậu kiểm để giao quyền cho TPHCM có thể rút ngắn được quy trình, thủ tục. Ví dụ, như thẩm quyền xin ý kiến của các bộ, ngành trung ương hoặc đối với những thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ có thể giao cho TPHCM để rút ngắn. Chúng ta phải đưa vào nghị định của Chính phủ, nhưng quan trọng nhất là giao thêm thẩm quyền cho TPHCM để rút ngắn quá trình chuẩn bị, thẩm định, thẩm tra, phê duyệt, điều này phải thật sự nổi trội trong quá trình áp dụng các thủ tục hành chính.

Mặt khác, mục tiêu lớn nhất của TPHCM là huy động nguồn lực và khai thông nguồn lực. TPHCM có một điểm rất mạnh, đó là các tập đoàn kinh tế và lực lượng doanh nghiệp của TPHCM, đặc biệt khối doanh nghiệp có vốn Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước cũng rất lớn. Với lực lượng này, chúng ta nên có một chính sách như miễn, giảm thuế, để doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh hiệu quả, từ đó có nguồn lực để tái đầu tư. Với những tập đoàn hàng đầu, cần chính sách khuyến khích để họ có những dự án lan tỏa khác.

* ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Tạo cơ sở pháp lý để TPHCM phát huy tiềm năng, lợi thế

Hôm nay (24-6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Việc thông qua nghị quyết này sẽ tạo cơ sở pháp lý để TPHCM phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển thành phố theo các mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội. TPHCM cần nắm bắt cơ hội này để xây dựng, phát triển theo các quan điểm, mục tiêu, định hướng đã nêu trong Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81 của Quốc hội.

Để triển khai thực hiện nghị quyết, TPHCM cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Trước hết là cần tập trung triển khai đồng bộ, khẩn trương các nội dung của nghị quyết đã được thông qua. TPHCM cần tiếp tục chủ động hơn nữa việc phối hợp với các bộ, ngành trong việc ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn để sớm đưa các chính sách của nghị quyết đi vào thực tế. Kinh tế TPHCM có độ mở cao, tạo ra tính liên kết vùng rất chặt chẽ với các địa phương lân cận. Vì vậy, bên cạnh việc tập trung cho phát triển, thành phố cần chú trọng phối hợp tốt với các địa phương lân cận nhằm tạo sự liên kết vùng, giảm tải áp lực cho thành phố về dân cư, môi trường… đảm bảo cho một thành phố phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một vấn đề rất quan trọng đó là việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết. Do đó, để chuẩn bị tốt hơn và triển khai có hiệu quả, cần phải giải quyết các khó khăn, vướng mắc một cách nhanh nhất và kịp thời nhất mới phát huy hết tính hiệu quả nghị quyết của Quốc hội khi ban hành.

Trong công tác triển khai thực hiện, quan trọng nhất vẫn là khâu cán bộ, cần có những cán bộ có chất lượng, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để triển khai có hiệu quả các chính sách mới. Vì vậy, TPHCM cần chuẩn bị tốt đội ngũ, chủ động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, thu hút thêm nhiều chuyên gia, nhà khoa học giỏi.

* Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban TC-NS của Quốc hội:

Những chính sách trong dự thảo nghị quyết khá đồng bộ, nhằm tập trung tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để thành phố chủ động hơn trong việc tự chủ động, tự khai thác các nguồn lực của mình. Tôi kỳ vọng TPHCM sẽ là nơi điển hình của hành động, dám nghĩ, dám làm và cần tự quyết nhiều hơn khi triển khai nghị quyết mới này.

* Đại biểu NGUYỄN THỊ NGỌC XUÂN, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương:

Nếu nghị quyết mới được Quốc hội thông qua sẽ mở ra cơ hội lớn để TPHCM “cất cánh” vươn tầm khu vực và quốc tế trong tương lai gần. Sau nghị quyết này, tôi kiến nghị Quốc hội cần sớm có nghị quyết tương tự cho các vùng và có luật cho các đô thị đặc biệt. Có như vậy mới tạo được không gian phát triển mới, từ đó đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

NGÔ BÌNH - PHAN THẢO - VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dong-luc-tich-cuc-cho-ca-vung-kinh-te-post694820.html