Đồng minh tụt hạng
Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang chìm vào khủng hoảng sau việc Washington loại Ankara ra khỏi chương trình máy bay tiêm kích F-35 của Lầu Năm Góc.
Đòn trả đũa mạnh tay của Mỹ trước việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga chẳng khác nào giáng cấp mối quan hệ đồng minh.
Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào căng thẳng kể từ khi Ankara tuyên bố mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Dù tiến hành nhiều cuộc gặp, điện đàm kèm theo những lời cảnh báo, song Washington cũng không thuyết phục được Ankara chấm dứt hợp đồng mua S-400 với Moscow. Giải thích lý do loại Ankara ra khỏi chương trình máy bay F-35, ngày 17-7, Người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết, máy bay F-35 do Mỹ chế tạo "không thể cùng tồn tại với một nền tảng thu thập thông tin tình báo, sẽ được sử dụng để tìm hiểu về những năng lực tiên tiến của loại máy bay này, và điều này sẽ gây bất lợi đối với khả năng tương tác của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO".
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ gọi động thái trên của Mỹ là bước đi đơn phương có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho quan hệ song phương. Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, mối quan hệ giữa hai nước đồng minh trong NATO không thể duy trì một cách thuận lợi với những hành động đơn phương như vậy.
Hẳn ai cũng hiểu vì sao Ankara lại có những phản ứng mạnh mẽ với đồng minh lớn của mình. Trong lời phát biểu trên kênh Haberturk TV hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tiết lộ rằng, Mỹ không thể đưa ra những điều kiện thuận lợi cho Ankara để mua các hệ thống phòng không do Washington sản xuất, do vậy nước này đã tìm đến Nga. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến quyết định Thổ Nhĩ Kỳ ngày một rời xa Mỹ chính là hai bên thiếu tin tưởng lẫn nhau. Ông Tayyip Erdogan đã nhiều lần cáo buộc Mỹ hợp tác với Giáo sĩ Fethullah Gulen trong cuộc đảo chính bất thành năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Mỹ kiên quyết ủng hộ vô điều kiện lực lượng người Kurd ở Syria đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là một vấn đề an ninh quốc gia hàng đầu. Ankara cho rằng, NATO và Mỹ không thể giải quyết được các vấn đề an ninh của nước này nên Ankara mới chủ động tìm kiếm sự hợp tác với Nga.
Bất luận là lý do nào thì việc Ankara mua S-400 của Nga đã chọc giận Washington. Việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình máy bay tiêm kích F-35 đã làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Ankara và Washington. Theo đó, các nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm cung cấp hơn 900 thiết bị cho máy bay F-35 sẽ không còn nhận được 9 tỷ USD trong dự án này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ bị mất việc làm và các cơ hội kinh tế trong tương lai. Về lâu dài, Ankara cũng có thể đối mặt với lệnh trừng phạt nếu như bị Washington thực hiện Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Theo đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2017, Mỹ buộc phải áp đặt lệnh trừng phạt đối với những cá nhân liên quan đến các thương vụ vũ khí quan trọng với Nga. Cho dù Tổng thống Donald Trump ngày 18-7 vẫn khẳng định, Mỹ chưa cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ "vào thời điểm này", song mấy ai có thể đoán định được thời điểm tuyên bố trên sẽ trở nên vô giá trị.
Đáp lại, đại diện của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, các nước tham gia dự án sản xuất F-35 cũng chịu thiệt hại không kém, phải gánh thêm chi phí từ 7 đến 8 triệu USD cho mỗi máy bay do hậu quả của việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi dây chuyền sản xuất. Thậm chí mới đây, Ankara cũng nói bóng gió rằng Tổng thống Tayyip Erdogan sẽ nghiên cứu khả năng mua máy bay tiêm kích Su-35 của Nga.
Xem ra, nếu Mỹ tiếp tục bất hòa với Thổ Nhĩ Kỳ, Washington sẽ đẩy Ankara lại gần với Moscow hơn. Khi đó, mối quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể bền vững.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/dong-minh-tut-hang-582928