Đồng Nai: Bảo đảm an toàn COVID-19 tại các chợ

Sáng 26/7, tại Đồng Nai ghi nhận thêm 231 ca mắc COVID-19, tình trạng lây nhiễm cộng đồng phức tạp. UBND tỉnh yêu cầu các chợ chỉ được phép hoạt động sau khi kiểm tra đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân ở P.Trảng Dài, TP. Biên Hòa

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân ở P.Trảng Dài, TP. Biên Hòa

Lây nhiễm cộng đồng phức tạp

Theo Sở Y tế Đồng Nai, địa phương mới ghi nhận thêm 231 ca mắc COVID-19 mới, bao gồm 46 ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc và 185 ca trong khu cách ly, phong tỏa.

Trong đó, TP. Biên Hòa vẫn cao nhất với 146 ca. Ngoài các xã, phường nguy cơ cao, đã phát hiện thêm ở Công ty Marigot Biên Hòa 11 ca, Công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai 1 ca.

Huyện Nhơn Trạch ghi nhận 54 ca. TP. Long Khánh 9 ca. huyện Trảng Bom 8 ca, còn lại ở các huyện Thống Nhất, Long Thành, Xuân Lộc, Định Quán.

Tổng số ca dương mới trong đợt dịch thứ tư là 2.675 ca. Trong đó, TP. Biên Hòa nhiều nhất với 1.440 ca, huyện Vĩnh Cửu 314 ca, huyện Nhơn Trạch 286 ca, huyện Thống Nhất 177 ca. Cộng dồn toàn tỉnh đã có 8 ca tử vong.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho hay, số ca dương tính mới phát hiện thông qua test nhanh sàng lọc còn cao, rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh. Như vậy, nguồn lây nhiễm trong cộng đồng đã khá phức tạp, dịch tiếp tục diễn biến theo chiều hướng lan rộng, khó kiểm soát. Số ca bệnh diễn biến nặng tăng, nguy cơ số tử vong tăng.

Do vậy, tất cả các huyện, thành phố phải tăng tốc độ và mở rộng phạm vi, đối tượng lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại các ổ dịch đã phát hiện tại các khu vực đã phong tỏa nhằm bóc tách các ca dương tính nhanh hơn, sớm cắt đứt lây nhiễm trong các khu vực đã được quản lý.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường tầm soát trong các doanh nghiệp và các khu nhà trọ, phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch mới, nhất là trong các doanh nghiệp. Người dân cần thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng.

Các chợ chỉ được phép hoạt động sau khi kiểm tra đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19

Sau khi xem xét kiến nghị của Sở Công Thương, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố trong tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ vào những kiến nghị của Sở Công thương để áp dụng, triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ tại từng địa phương, đơn vị theo đúng quy định. UBND tỉnh giao Sở Công thương hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện…

Trước đó, để công tác tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế được thực hiện thống nhất, đồng bộ, minh bạch, cụ thể và đảm bảo hiệu quả trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận kể từ 12h ngày 25/7/2021, tất cả các chợ (kể cả các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu do địa phương thành lập) trên địa bàn tỉnh chỉ được phép hoạt động sau khi được kiểm tra, đánh giá đảm bảo phương án phòng, chống dịch COVID-19 cho chợ (về diện tích và điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo Công văn số 5858/BYT-MT ngày 21/7/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ đối với các địa phương trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và chỉ được hoạt động kinh doanh các mặt hàng, nhu phẩm thiết yếu trong danh mục theo quy định.

Đối với các địa phương có chợ nhưng tạm ngưng hoạt động do không đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 hoặc địa bàn chưa có chợ hoặc chưa có cửa hàng tiện lợi, kiến nghị giao UBND cấp huyện khẩn trương thực hiện khảo sát, đánh giá và quyết định địa điểm để hình thành điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Ngoài ra, nhằm hạn chế việc người dân ra khỏi nhà, giảm tối đa mật độ người vào chợ (kể cả các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu do địa phương thành lập) đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19 và giải quyết nhanh gọn thời gian mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân, Sở Công thương kiến nghị UBND các địa phương giao UBND xã, phường khẩn trương phát thẻ vào chợ cho người dân trên địa bàn theo Công văn số 5858/BYT-MT của Bộ Y tế…

Giữ ổn định giá thuốc cổ truyền, dược liệu

Nhằm đảm bảo bình ổn giá thuốc cổ truyền, dược liệu trong điều trị COVID-19, Sở Y tế Đồng Nai vừa có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh, Phòng Y tế các huyện, thành phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc cổ truyền, dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, yêu cầu các bệnh viện, các cơ sở kinh doanh thuốc cổ truyền, dược liệu thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về quản lý giá thuốc, nguyên liệu làm thuốc; không được lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để đầu cơ, tích trữ và đẩy giá thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cao, đặc biệt là các thuốc và các sản phẩm có thành phần từ Xuyên tâm liên. Các cơ sở bán lẻ thuốc nghiêm túc thực hiện các tiêu chuẩn “Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc” (GPP) theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với các cơ sở kinh doanh (bán buôn) thuốc cổ truyền, dược liệu thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước đảm bảo nguồn cung cấp thuốc cổ truyền, dược liệu cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Trường hợp giá nguyên vật liệu đầu vào có sự gia tăng, đề nghị công ty nghiên cứu xem xét điều chỉnh các chi phí khác (chi phí bán hàng, chi phí quản lý) để thực hiện việc bình ổn giá trong thời gian dịch bệnh COVID-19.

Trước đó, tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 23/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo tỉnh Đồng Nai có thể nghiên cứu phương pháp chữa bệnh bằng Đông-Tây y kết hợp trong điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để điều trị cho các bệnh nhân F0 không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ trong tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong những ngày qua, Công an tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều tổ công tác phối hợp với công an các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19.

Kết quả, theo báo cáo của Công an tỉnh, đến nay công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý hơn 2.100 trường hợp vi phạm, lập biên bản xử phạt số tiền hơn 5,2 tỷ đồng.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/dong-nai-bao-dam-an-toan-covid19-tai-cac-cho/439907.vgp