Đồng Nai: Đòi bồi thường thiệt hại gần 100 tỷ nhưng chỉ được hơn 1 tỷ đồng
Suốt 20 năm ông Trần Hữu Sỹ (SN 1941) ấp 2, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cữu 'vác' đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại về việc 'Tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán hồ vườn ươm' với Lâm trường Mã Đà với số tiền gần 100 tỷ đồng nhưng chỉ được bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng.
“Lừa” người không biết chữ để ký thanh lý hợp đồng
Năm 1992, ông Trần Hữu Sỹ được Lâm trường Mã Đà thông báo cho canh tác một khu vực rừng bị ngập nước với diện tích 27ha để phát triển nuôi trồng thủy sản. Khi nhận dự án phát triển canh tác khu rừng già, ông đã thuê nhân công dọn dẹp cây que, dây rừng, san ủi hố bom, ụ mối, làm phẳng lòng hồ…
Tháng 6/1995, ông Sỹ chính thức ký “hợp đồng nhận khoán hồ vườn ươm” với Lâm trường Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu với thời gian 20 năm với giá thuê 5.000.000 đồng/năm. Theo nội dung của hợp đồng, ông Sỹ được trực tiếp nuôi trồng và kinh doanh thủy sản lòng hồ. Theo định ký 5 năm 1 lần hai bên cùng nhau bàn bạc xem xét thực hiện lại hợp đồng, trong quá trình ký kết có điều chỉnh hoặc cùng nhau thống nhất thực hiện…
Sau khi ký kết hợp đồng, ông Sỹ tiếp tục thuê người cải tạo dọn dẹp làm phẳng lòng hồ để thu hoạch sản phẩm được dễ dàng. Trong suốt 04 năm cải tạo (từ năm 1993 đến 1996) mới tạm ổn định và bắt đầu thả cá xuống để nuôi.
Ông Sỹ cho biết, ngày 11/5/2000, Lâm trường Mã Đà gọi tôi ra lập biên bản báo tăng giá cho thuê nhưng tôi không đồng ý. Nghe vậy, Lâm trường Mã Đà không cho tôi thả cá, cũng như không cho đánh bắt cá đã thả và yêu cầu tôi chờ đến tháng 6/2000.
Ngày 12/6/2000, Lâm trường Mã Đà mời vợ tôi là Trần Thị Điểm (SN 1943) ký vào biên bản thanh lý hợp đồng. Trong khi vợ tôi không biết chữ, chỉ biết viết tên của mình. Sau đó, Giám đốc Lâm trường Mã Đã tuyên bố với vợ tôi là “việc thanh lý hợp đồng đã xong”. “Trong thời gian 03 năm tôi không có thu hoạch, không được đánh bắt trong khi vẫn phải nuôi công nhân trông coi, thức ăn cho cá vẫn phải đổ xuống để chờ ngày thanh lý” - ông Sỹ ấm ức.
Tháng 6/2000 Lâm trường Mã Đà đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông Sỹ và tiến hành tổ chức đấu thầu và cho Trường Nghiệp vụ Công an Thủ Đức, TP.HCM thuê lại.
Biết bao giờ công lý mới được thực thi
Ông Sỹ cho biết, khi ông nhận được bản thanh lý hợp đồng này, ông làm đơn gửi về Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai nhưng không được giải quyết và cho rằng: việc Lâm trường Mã Đà thanh lý hợp đồng là chính đáng. Thế là ông tiếp tục gửi đơn lên TAND huyện Vĩnh Cửu. Sau khi xét xử sơ thẩm, cấp phúc thẩm nhưng ông Sỹ không đồng tình với bản án đã tuyên vì số tiền bồi thường thiệt hại cho gia đình ông không thỏa đáng.
Ông Sỹ tiếp tục khiếu nại, ngày 17/12/2010, Tòa Dân sự TANDTC có quyết định số 828/2010/DS-GĐT: Hủy bản án dân sự phúc thẩm ngày 17/09/2010 của TAND tỉnh Đồng Nai và bản án dân sự sơ thẩm ngày 18/9/2006 của TAND huyện Vĩnh Cữu.
Ngày 03/10/2019, TAND huyện Vĩnh Cữu đã xét xử sơ thẩm lần 2 và tuyên bản án số 05/2019/DS-ST về việc “Tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán vườn ươm”. Theo nội dung bản án, buộc Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai (trước đây là Lâm trường Mã Đà) hoàn trả cho ông Trần Hữu Sỹ và bà Trần Thị Điềm số tiền 1,231 tỷ đồng.
Ông sỹ cho rằng, TAND huyện Vĩnh Cữu chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông về việc “Tranh chấp hợp đồng nhận khoán thuê hồ vườn ươm” là không thỏa đáng nên đã kháng cáo. Theo ông Sỹ, tại thời điểm năm 1992 đến 1996 số tiền ông đầu tư cơ sở hạ tầng là 938.700.000 đồng và 34 tỷ đồng cá thành phẩm. Nếu tính từ thời điểm năm 2000 đến 2020 thì Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai phải bồi thường số tiền thiệt hại là 99 tỷ đồng, trong đó 65 tỷ đồng tiền lãi.
Sau đó, ngày 16/10/2019, VKSND huyện Vĩnh Cửu đã có quyết định số 470/QĐKNPT-VKS-DS kháng nghị phúc thẩm đối với bản án số 05/2019/DS-ST của TAND huyện Vĩnh Cữu đề nghị TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ vụ án sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 03/10/2019 của TAND huyện Vĩnh Cữu do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và vi phạm nghiêm trọng về đường lối giải quyết vụ án.