Đông Nam Bộ với mục tiêu tăng trưởng xanh: Bài 3: Thúc đẩy thương mại - dịch vụ tăng trưởng xanh

Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ và hội nhập kinh tế quốc tế…

Người tiêu dùng tham khảo, chọn mua các loại nông sản sạch tại một siêu thị ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân

Người tiêu dùng tham khảo, chọn mua các loại nông sản sạch tại một siêu thị ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân

Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế của vùng với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh ngày càng cao, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhất là việc thúc đẩy các chỉ tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

* Đồng bộ hạ tầng dịch vụ gắn với đổi mới sáng tạo

Vùng ĐNB có hệ thống cảng, sân bay quốc tế, đường sắt, đường bộ thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ. Đây cũng là đầu mối lớn nhất trong kết nối về khoa học - công nghệ, giao thương, xuất - nhập khẩu của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung…

Theo các chuyên gia kinh tế, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước sẽ giúp cho giao thương vùng ĐNB với các vùng kinh tế khác trên cả nước và nước ngoài thuận lợi hơn.

Song song đó, nhiều địa phương trong vùng đã và đang đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; lấy doanh nghiệp làm nòng cốt nhằm xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo dựa trên thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ, các địa phương trong vùng ĐNB có sự phát triển mạnh về kinh tế so với các vùng khác nên có cộng đồng doanh nghiệp đông đảo, nhu cầu hàng hóa nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ươm mầm phát triển.

Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định ĐNB phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.

Theo Bộ Công thương, giải pháp để ĐNB phát triển thương mại dịch vụ nhanh và bền vững là kết nối hạ tầng vùng, liên vùng để mở rộng vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế, các tuyến hành lang kinh tế và cảng biển trong vùng với các vùng kinh tế khác, cũng như với các nước trong khu vực và thế giới.

Tại Đồng Nai, tỉnh xác định tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam; đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao; đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, đáng sống; nơi tập trung trí thức và nhân tài. Trong đó, địa phương lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải về 0 vào năm 2050.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Trần Vũ Hoài Hạ cho biết, trong thời gian tới, mô hình phát triển của Đồng Nai sẽ gồm 5 trụ cột: trung tâm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại; thành phố sân bay - trung tâm hội nhập quốc tế; chuỗi đô thị dịch vụ ven núi, ven sông, ven hồ đẳng cấp; nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững và phát triển chiến lược tăng trưởng xanh. Trong đó, tỉnh sẽ đầu tư thực hiện trọng tâm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại tại hành lang phía Tây Nam như Long Thành và Nhơn Trạch với việc thành lập các khu công nghiệp chuyên ngành và khu công nghệ cao với các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp đa dạng. Ngoài ra, còn có các trung tâm thử nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nghề chất lượng cao cũng như vườn ươm khởi nghiệp…

* Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, bền vững

Để có thể nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các doanh nghiệp trong nước cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh ngay trên “sân nhà”, thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu xanh, sản xuất bền vững, tuần hoàn…

Về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trong những năm gần đây, các địa phương trong vùng ĐNB đã xác định vai trò, lợi thế trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, ngày càng mở rộng các dịch vụ ngân hàng số, phát triển tín dụng xanh. Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, địa phương.

Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan chia sẻ, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hóa, hỗ trợ xuất khẩu, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có hoạt động giới thiệu quảng bá sản phẩm trong nước đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, thành phố đã và đang thực hiện các giải pháp tăng xuất khẩu hàng hóa, thúc đẩy hoạt động thương mại trở về quỹ đạo tăng trưởng vốn có; bám sát định hướng xuất khẩu xanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Đồng Nai, yếu tố xanh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế là một trong những yêu cầu tiên quyết. Điều này vừa phù hợp với mục tiêu chung của tỉnh, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn cao từ các nước trên thế giới đối với hàng hóa.

Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nam chia sẻ, các doanh nghiệp trong nước nói chung và ở vùng ĐNB nói riêng, có tiếp tục tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới đem lại hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố chính như: phát triển, xuất khẩu xanh, chuyển đổi công nghệ…

Vấn đề phát triển xanh sẽ là động lực nhưng cũng sẽ là lực cản nếu doanh nghiệp chậm chân trong việc triển khai kế hoạch, lộ trình cụ thể và phù hợp về thay đổi nhận thức. Đồng thời, thay đổi hành vi trong việc chuyển dịch mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường, chuyển dịch năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo…

Giám đốc điều hành Công ty TNHH LMK Global (thành phố Biên Hòa) Vương Đình Vũ cho biết, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng cao. Từ khi thành lập đến nay, công ty của ông luôn chú trọng đến các yếu tố quan trọng trong lựa chọn sản phẩm để phân phối đến tay người tiêu dùng như: bảo đảm an toàn vệ sinh, tốt cho sức khỏe, thương hiệu tin cậy, bảo vệ môi trường và giá thành hợp lý... Hiện công ty kinh doanh các cửa hàng tiện lợi Bapi Food và vừa mở rộng thêm mô hình nhà hàng ăn uống kết hợp bán các nông sản, thực phẩm sạch tại chỗ ở thành phố Biên Hòa.

Bên cạnh đó, ĐNB đang trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách trong nước và quốc tế. Sản phẩm, trải nghiệm du lịch của vùng khá đa dạng với nhiều lợi thế để phát triển du lịch xanh và bền vững, từ du lịch biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến những trải nghiệm du lịch sinh thái rừng, du lịch vườn, du lịch trải nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.

Nhóm P.V

Bài cuối: Để trở thành đầu tàu về tăng trưởng xanh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202403/dong-nam-bo-voi-muc-tieu-tang-truong-xanh-bai-3-thuc-day-thuong-mai-dich-vu-tang-truong-xanh-5f75d71/