Đông Sơn: Nhiều cách làm hay trong bảo vệ môi trường

Huyện Đông Sơn xác định, đi liền với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) một cách bền vững. Từ nhận thức đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chung tay BVMT tại địa phương.

Tuổi trẻ huyện Đông Sơn ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như dọn vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải, chăm sóc hàng cây thanh niên...

Tuổi trẻ huyện Đông Sơn ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như dọn vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải, chăm sóc hàng cây thanh niên...

Thị trấn Rừng Thông là bộ mặt của huyện Đông Sơn. Bởi vậy, công tác vệ sinh môi trường luôn được cấp ủy, chính quyền thị trấn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, đảm bảo theo tiêu chuẩn đô thị. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể thị trấn thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia BVMT bằng việc chung tay dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm và thu gom rác thải đúng nơi quy định, nhằm đảm bảo tốt cảnh quan môi trường trên địa bàn. Đồng thời, bố trí hệ thống thùng rác xanh trên các tuyến phố, tạo nên cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp. Bên cạnh đó, HTX dịch vụ môi trường Tân Sơn duy trì tốt việc thu gom rác thải ở các tổ dân phố và vận chuyển đến khu xử lý theo quy định. Hàng năm, tỷ lệ rác thải được thu gom trên địa bàn thị trấn Rừng Thông luôn đạt 100%. Để nâng cao hiệu quả trong việc BVMT ở khu dân cư, thị trấn Rừng Thông đã chỉ đạo các hội, đoàn thể xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản về vệ sinh môi trường. Và các tổ dân phố xây dựng câu lạc bộ, tổ liên gia tự nguyện BVMT; xây dựng tuyến đường hoa, tuyến đường xanh - sạch - đẹp và duy trì tổng vệ sinh đường ngõ xóm 1 tuần/lần. Tiêu biểu phải kể đến mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” của Hội LHPN thị trấn. Mô hình đã tác động tích cực đến các tầng lớp Nhân dân trong việc hình thành thói quen thu gom rác thải sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị.

Nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong BVMT, huyện Đông Sơn đã tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật BVMT; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 18/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”; kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện “Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050”; kế hoạch và các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo BVMT của cấp ủy, chính quyền huyện đến các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ và Nhân dân trên địa bàn. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và tính tự giác thực hiện của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, cán bộ và Nhân dân về vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa BVMT đã được cấp ủy, chính quyền huyện thực hiện hiệu quả, nhất là sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể chính trị trong việc xây dựng mô hình BVMT ở cơ sở. Hằng năm, UBND huyện phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị phát động các phong trào BVMT, như: hội nông dân với phong trào “Thu gom và xử lý chất thải nguy hại ngoài đồng ruộng”; hội LHPN với chương trình "5 không- 3 sạch”; đoàn thanh niên với phong trào “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể chính trị còn lồng ghép nội dung BVMT vào chương trình công tác năm. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ BVMT, đảm nhận đoạn đường tự quản về vệ sinh môi trường. Đến nay, trên địa bàn các xã, thị trấn đã thành lập các tổ tự quản về vệ sinh môi trường do các chi hội trong thôn, khu phố đảm nhận, như đoạn đường tự quản do hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh đảm nhận. Mặt khác, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi làm hầm biogas, sử dụng đệm lót sinh học, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhờ cách làm đó, công tác BVMT trên địa bàn huyện Đông Sơn đã có những chuyển biến tích cực, nhất là việc xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn. Được biết, nguồn phát sinh chất thải rắn trên địa bàn huyện Đông Sơn chủ yếu phát sinh từ sinh hoạt thường ngày và hoạt động sản xuất của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở y tế trên địa bàn. Hiện nay, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Đông Sơn do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa thu gom, vận chuyển về khu liên hiệp xử lý chất thải rắn của huyện để xử lý theo quy trình. Theo số liệu thống kê, năm 2023, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của toàn huyện khoảng 28.738 tấn. Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa thu gom hơn 27.998 tấn chất thải rắn sinh hoạt, đạt tỷ lệ 97,42%. Cùng với đó, 100% hộ gia đình trong huyện được dùng nước sạch đạt 100%; 97,1% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Toàn huyện cũng đã xây dựng được 154 bể chứa vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại đồng ruộng.

Nét nổi bật trong công tác BVMT ở huyện Đông Sơn là cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm tại một số khu vực trên địa bàn. Cụ thể, huyện đã xử lý sạch kho thuốc lưu trữ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại khu phố Thống Nhất, thị trấn Rừng Thông và trồng cây xanh đảm bảo mỹ quan đô thị. Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ nguồn ô nhiễm các cụm công nghiệp, làng nghề, hình thành thói quen tốt cho chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc BVMT, huyện còn chỉ đạo các xã, thị trấn đầu tư xây dựng khu thu gom tập kết rác thải, hầm biogas xử lý nước thải và vệ sinh tại 12 chợ trên địa bàn.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện Đông Sơn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ và các tầng lớp Nhân dân về BVMT. Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện công tác BVMT hàng năm, cấp ủy đảng, chính quyền, HĐND và ủy ban MTTQ từ huyện đến cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ BVMT. Đồng thời, gắn trách nhiệm đảm bảo công tác BVMT với việc hoàn thành các mục tiêu đề ra đến năm 2025. Đó là tỷ lệ các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đáp ứng yêu cầu về môi trường; 100% đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ hộ chăn nuôi ở nông thôn có chuồng trại hợp vệ sinh.

Bài và ảnh: Trần Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dong-son-nhieu-cach-lam-hay-trong-bao-ve-moi-truong-226553.htm