Đồng yen không còn là 'nơi trú ẩn an toàn'

Đồng nội tệ Nhật Bản đã giảm 2,6% giá trị so với đồng USD trong khoảng thời gian từ ngày 7-15/3, xuống khoảng 118 yen/USD.

Kiểm đồng yen tại một ngân hàng. Ảnh: EPA/TTXVN

Kiểm đồng yen tại một ngân hàng. Ảnh: EPA/TTXVN

Đồng yen Nhật Bản đã mất giá nhiều hơn so với các đồng tiền chính khác ngay cả khi căng thẳng Nga-Ukraine tác động đến nền kinh tế toàn cầu, một dấu hiệu cho thấy đồng tiền này có thể đã mất đi sức hấp dẫn như “một nơi trú ẩn an toàn” trong thời kỳ bất ổn.

Đồng nội tệ Nhật Bản đã giảm 2,6% giá trị so với đồng USD trong khoảng thời gian từ ngày 7-15/3, xuống khoảng 118 yen/USD. Trước đó, đồng tiền này dao động quanh mức 114-115 yen/USD, tuy nhiên sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine ngày 24/2, đồng yen bắt đầu giảm nhanh hơn vào tuần trước trong bối cảnh giá dầu thô và các mặt hàng khác tăng mạnh.

Đồng yen được xếp hạng là một trong những đồng tiền có hoạt động kém nhất trong rổ tiền tệ chính trong giai đoạn này, cùng với các đồng tiền khác từ các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, như đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng won của Hàn Quốc.

Nhật Bản đã và đang chuyển hướng khỏi nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, mà củng cố sự thu hút của các nhà đầu tư đối với đồng yen trong thời kỳ bất ổn, thiên tai và các cuộc khủng hoảng khác, và giá hàng hóa tăng cao hiện đang gây sức ép lên cán cân vãng lai của nước này.

Có lo ngại rằng đồng nội tệ có thể bị đẩy vào vòng xoáy đi xuống trong bối cảnh đồng yen tiếp tục suy yếu sẽ làm gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai gần đây của đất nước.

Chìa khóa cho sự hấp dẫn của đồng yen là vị thế của Nhật Bản, với tư cách là chủ nợ ròng hàng đầu thế giới. Trước đây, có đồn đoán rằng các nhà đầu tư sẽ chuyển sang thanh toán đồng nội tệ khi điều kiện thị trường trở nên khó khăn đã thúc đẩy các nhà giao dịch ở các nước khác hành động tương tự.

Đồng yên đã tăng từ mức 106 yen lên hơn 88 yen so với đồng USD trong ba tháng sau cuộc khủng hoảng tài chính vào tháng 9/2008, và từ mức khoảng 83 yen/USD lên hơn 80 yen/USD sau trận động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011 tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào về sự tăng giá tương tự trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine. Daisuke Karakama, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Mizuho Bank, cho biết cán cân tài khoản vãng lai của Nhật Bản ngày càng xấu đi, khiến đồng yen khó mua hơn từ góc độ cung-cầu.

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, nước này đã thâm hụt tài khoản vãng lai 1.190 tỷ yen (10,1 tỷ USD) trong tháng 1/2022, mức cao thứ hai trong lịch sử, trong bối cảnh thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, Văn phòng Nội các Nhật Bản mới đây đã công bố số liệu chính thức về tình hình kinh tế trong quý IV/2021, theo đó trong kỳ báo cáo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước đó, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với con số ước tính ban đầu mà cơ quan này đã công bố hôm 15/2.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thay đổi trên là do chi tiêu dùng cá nhân và đầu tư vốn của công ty thực tế đều không đạt mức tăng trưởng như ước tính ban đầu.

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý 4/2021, chi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% GDP của nước này, chỉ tăng 2,4% so với quý trước đó, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với ước tính ban đầu. Trong khi đó, chi tiêu vốn thực tế của các công ty chỉ tăng 0,3%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm.

Đối với hoạt động thương mại, kim ngạch xuất khẩu trong quý cuối của năm ngoái cũng chỉ tăng 0,9%, giảm 0,1 điểm phần trăm. Kim ngạch nhập khẩu thực tế giảm 0,4%, trong khi ước tính ban đầu chỉ giảm 0,3%. Kết quả là tính chung cả năm 2021, GDP thực tế của Nhật Bản chỉ tăng 1,6%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với ước tính ban đầu.

Ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản mở rộng hoạt động ra nước ngoài, đồng nghĩa với việc xuất khẩu ít hơn từ Nhật Bản và ít mua đồng yen để chuyển đổi thu nhập ngoại tệ hơn.

Mặc dù các công ty ghi nhận thêm thu nhập từ các công ty con ở nước ngoài, song khoản thu nhập này thường được giữ nguyên bằng tiền nước bản địa. Nếu cán cân tài khoản vãng lai của Nhật Bản tiếp tục thâm hụt, thì tài sản nước ngoài ròng dồi dào của nước này cũng sẽ giảm theo.

Trước đây đồng yen và đồng franc Thụy Sỹ thường được dùng để vay trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do lãi suất thấp rõ rệt của Nhật Bản và Thụy Sỹ. Gần đây, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất về gần bằng 0%, việc vay nợ bằng đồng USD lại chiếm ưu thế.

Măc dù sự chú ý của nhà đầu tư đang bắt đầu quay trở lại đồng yen khi Fed tiến tới tăng lãi suất, song giai đoạn vay ban đầu của giao dịch linh hoạt (carry trade) gây sức ép giảm nhiều hơn lên đồng tiền này. Giao dịch linh hoạt là việc vay vốn ngắn hạn và đồng thời mua các khoản đầu tư dài hạn có lợi nhuận cao.

Một số "người chơi" tham gia thị trường nhận thấy đồng yen có thể còn giảm xuống thấp hơn nữa. Một chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại công ty SMBC Nikko Securities cho rằng nếu giá dầu thô duy trì ở mức 110-120 USD/thùng, đồng yen có thể giao dịch trong khoảng 125-130 yen/USD.

Hội đồng chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ bắt đầu nhóm họp hai ngày từ 17/3. Ryutaro Kono, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng BNP Paribas tại Nhật Bản, cho biết châu Âu và Mỹ đang tiến tới bình thường hóa chính sách tiền tệ, "ngay cả khi BoJ thay đổi chính sách, thì vẫn có giới hạn đối với những gì ngân hàng này có thể làm" để ngăn chặn đà giảm giá của đồng yen.

Đồng yên suy yếu làm tăng chi phí nhập khẩu, tạo thêm gánh nặng do giá hàng hóa cao hơn. Giá xăng tại Nhật Bản hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008, bất chấp việc chính phủ tăng mức trần trợ cấp cho các nhà bán buôn dầu. Chi tiêu tài chính nhiều hơn để đối phó với giá hàng hóa tăng cao có thể có nguy cơ gia tăng bất ổn đối với đồng yen./.

Minh Hằng (Theo Nikkei Asia)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-yen-khong-con-la-noi-tru-an-an-toan/236874.html