Đợt nhiễm virus Marburg đầu tiên ở Tây Phi đã chấm dứt
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 16/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt nhiễm virus Marburg đầu tiên ở Tây Phi, một bệnh sốt xuất huyết gây chết người gần tương đương virus Ebola, đã chính thức chấm dứt, 42 ngày sau khi xác định được ca bệnh đầu tiên và duy nhất ở Guinea.
Sự xuất hiện diện của virus Marburg, do truyền nhiễm từ dơi sang người, đã được phát hiện trong các mẫu bệnh phẩm lấy từ một người đàn ông đã chết vào đầu tháng 8 vừa qua ở vùng Forest Guinea thuộc miền Nam nước này. Trong một tuyên bố, WHO cho biết "hơn 170 trường hợp tiếp xúc có nguy cơ cao đã được theo dõi trong 21 ngày".
Theo WHO, virus Marburg, cùng họ với Ebola, được truyền từ dơi ăn quả sang người và lây lan giữa người với người thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể từ người, bề mặt và vật liệu bị nhiễm bệnh. Mặc dù không có vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng virus được chấp thuận để điều trị, nhưng việc bù nước thông qua đường uống hoặc qua đường tĩnh mạch và điều trị các triệu chứng cụ thể sẽ cải thiện tỷ lệ sống sót.
Tại châu Phi, các vụ đợt dịch và các trường hợp phát bệnh lẻ tẻ trước đây đã được báo cáo ở Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda. Vụ dịch Ebola đầu tiên ở Tây Phi, gây chết người nhiều nhất kể từ khi virus này được xác định vào năm 1976, bùng phát vào tháng 12/2013 tại vùng Forest Guinea, kéo dài đến năm 2016 và lây lan sang 10 quốc gia, khiến hơn 11.300 người thiệt mạng. Forest Guinea cũng là nơi xảy ra một đợt bùng phát trở lại của virus Ebola vào năm 2021, chính thức kết thúc vào tháng 6 vừa qua và khiến 12 người thiệt mạng.