Đột phá các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp xuất nhập khẩu phát triển

Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/9/2024 đạt 540,72 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với yếu tố khách quan là sự phục hồi và phát triển kinh tế, sự tăng trưởng tích cực của xuất nhập khẩu có đóng góp từ những giải pháp tạo thuận lợi thương mại của ngành Hải quan.

 Hải quan Long An kiểm tra hàng hóa xuất khẩu. Ảnh tư liệu.

Hải quan Long An kiểm tra hàng hóa xuất khẩu. Ảnh tư liệu.

Đẩy mạnh tạo thuận lợi trong hoạt động thương mại

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến hết ngày 15/9/2024 đạt 540,72 tỷ USD, tăng 15,9%, tương ứng tăng 74,26 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 366,69 tỷ USD, tăng 14,4% (tương ứng tăng 46,17 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 18,04 tỷ USD.

Trong hoạt động thương mại, xuất khẩu có kết quả “nhỉnh” hơn. Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tính đến hết 15/9/2024 đạt 279,38 tỷ USD, tăng 14,8%, tương ứng tăng 35,98 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam gần 9 tháng qua đạt 261,34 tỷ USD, tăng 17,2%, tương ứng tăng 38,28 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.

Những chuyển biến tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay đã phản ánh sự ổn định và phát triển sản xuất của cộng đồng DN. Ở một khía cạnh nào đó, sự ổn định và phát triển đó có phần góp sức của những biện pháp tạo thuận lợi thương mại của ngành Hải quan.

Một loạt chính sách đột phá, đẩy mạnh tạo thuận lợi thương mại đã được ngành Hải quan triển khai, thực hiện mang lại hiệu quả tích cực. Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai công tác cải cách hành chính thông qua nghiên cứu, báo cáo Bộ Tài chính phương án cắt giảm 2 chế độ báo cáo; đơn giản hóa 2 chế độ báo cáo và 1 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hải quan. Qua đó, nâng tổng số đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hải quan giai đoạn 2020 - 2025 đạt 8%, chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cắt giảm đạt 10,2 tỷ đồng/năm.

Cải cách hành chính vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan hải quan. Trong đó, việc nỗ lực đơn giản, tự động hóa quy trình nghiệp vụ hải quan đã và đang thu được những thành tựu đáng chú ý, khi số lượng tờ khai xuất nhập khẩu trung bình mỗi năm tăng 22% nhưng nguồn nhân lực của cơ quan hải quan mỗi năm lại giảm từ 1,5 - 1,7%. Mặc dù vậy, các thủ tục hải quan của DN vẫn được tiến hành thuận lợi, liên tục và nhanh chóng nhờ ứng dụng các công nghệ số.

Theo lãnh đạo Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, với mục tiêu tạo chuyển biến thực chất, rõ nét về đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, Tổng cục luôn chủ động triển khai áp dụng đầy đủ các biện pháp hỗ trợ DN, hướng đến môi trường tự nguyện tuân thủ pháp luật trong cộng đồng DN xuất nhập khẩu. Từ đó, tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngành Hải quan đặt ưu tiên công tác đối thoại với DN lên hàng đầu để giúp DN có điều kiện phản ánh những vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ công chức hải quan khi thi hành công vụ.

Tuyên truyền, tháo gỡ là trọng tâm

Ở địa phương, các cơ quan hải quan cũng triển khai nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy sự phát triển của DN.

Ông Đỗ Thanh Quang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật. Mỗi năm, đơn vị tổ chức hàng trăm buổi đối thoại, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc cho các hiệp hội DN trong và ngoài nước như: Hiệp hội DN Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… Đặc biệt, Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã tích cực giải đáp gián tiếp hàng chục nghìn lượt câu hỏi vướng mắc cũng như kiến nghị, đề xuất trực tiếp của DN, hiệp hội DN có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.

“Sở hữu” nhiều DN FDI đang thực hiện các dự án đầu tư, thời gian qua Cục Hải quan Bình Dương đã đồng hành, hỗ trợ việc ổn định sản xuất, kinh doanh của DN. Đối với các DN có hoạt động sản xuất, xuất khẩu, thì thủ tục hải quan là một vấn đề quan trọng. Do đó, sự kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc và hỗ trợ nhiệt tình của Cục Hải quan Bình Dương đã tạo thuận lợi cho các DN đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư mới, các DN mới thành lập trong các hoạt động xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan.

Tại Lâm Đồng, ông Lã Văn Lập - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Đà Lạt cho biết, đơn vị xác định công tác tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho DN là một trong những biện pháp trọng tâm để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của DN. Việc này không chỉ dừng lại ở các hình thức truyền thống như hội nghị, hội thảo… mà xuất phát từng loại hình, đặc thù hàng hóa xuất nhập khẩu của từng DN để có phương pháp phù hợp.

"Lượng hóa" nhiệm vụ để hỗ trợ thiết thực

Tổng cục Hải quan luôn yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc “lượng hóa” nhiệm vụ hỗ trợ. Cụ thể như: yêu cầu giải đáp vướng mắc thuộc thẩm quyền trong quá trình làm thủ tục hải quan trong vòng 2 giờ làm việc; tăng cường đối thoại với DN theo hình thức trực tuyến tối thiểu 1 lần/quý tại cấp chi cục hải quan và 2 lần/năm tại cấp cục hải quan tỉnh, thành phố...

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dot-pha-cac-giai-phap-thuc-day-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-phat-trien-160540-160540.html