Đột phá vào khâu then chốt

Ngày 1-6-2022, Tỉnh ủy Hậu Giang ban hành Đề án số 04-ĐA/TU về việc thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh. Đề án là bước đột phá vào khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, qua đó đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh.

Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm của các tỉnh khu vực phía Nam sông Hậu với rất nhiều cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng địa phương này cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang, những năm trước đây, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý trong tỉnh phần lớn là khép kín trong mỗi cơ quan, đơn vị, chưa mở rộng thu hút những người có năng lực từ bên ngoài vào, nhằm bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công tác bổ nhiệm cán bộ phần lớn vẫn theo tuần tự, chưa có đột phá trong lựa chọn cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực phù hợp bổ nhiệm chức vụ cấp trưởng phòng và tương đương trở lên. Mặt khác, cơ chế giới thiệu cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ, thăm dò bằng phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn còn một số mặt hạn chế; nhất là chưa phát hiện kịp thời những người có trình độ, tài năng, phẩm chất đạo đức tốt...

Để khắc phục thực tế trên, Tỉnh ủy Hậu Giang ban hành Đề án số 04-ĐA/TU với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, sáng tạo. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Thuấn, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, mục tiêu của đề án là nhằm tuyển chọn nhân tố mới, nhân sự chất lượng thông qua thi tuyển để bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý và tạo đột phá trong công tác cán bộ. Việc thi tuyển vừa bảo đảm tính minh bạch, khách quan, đồng thời tạo sự cạnh tranh lành mạnh nhằm kiếm tìm, lựa chọn được nhân sự tốt nhất, phù hợp nhất.

 Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang trao quyết định bổ nhiệm cán bộ cho các đồng chí trúng tuyển trong kỳ thi tuyển chức danh trưởng phòng. Ảnh: NHẬT TÂN

Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang trao quyết định bổ nhiệm cán bộ cho các đồng chí trúng tuyển trong kỳ thi tuyển chức danh trưởng phòng. Ảnh: NHẬT TÂN

Theo đó, cùng một vị trí công tác, việc thi tuyển không khép kín trong phạm vi nội bộ mỗi cơ quan, đơn vị mà mở rộng đối tượng là cán bộ, đảng viên từ nhiều cơ quan, đơn vị khác cùng tham gia thi tuyển. Quan trọng hơn, Đề án số 04-ĐA/TU còn cụ thể hóa chủ trương “có lên, có xuống”; “có vào, có ra” trong công tác cán bộ. Có nghĩa, người trúng tuyển được bổ nhiệm phải tiếp tục triển khai hiệu quả đề án đã bảo vệ trước hội đồng thi tuyển. Trong 5 năm tiếp đó, nếu cấp ủy, tổ chức đảng nhận xét, đánh giá trong hai năm liên tục chỉ đạt mức xếp loại hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ xem xét miễn nhiệm cán bộ.

Thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU, Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang là đơn vị đầu tiên tiến hành thi tuyển chức danh trưởng phòng. Xuất phát từ thực tế, tổ chức bộ máy tại Văn phòng Tỉnh ủy có một số đơn vị cấp phòng chưa có vị trí trưởng phòng mà chỉ giao cấp phó phụ trách nên việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ còn một số hạn chế. Đây là kỳ thi có ý nghĩa quan trọng trong việc sắp xếp, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý để tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Văn phòng có hiệu lực, hiệu quả thiết thực.

Tham gia kỳ thi tuyển, 7/8 thí sinh đủ điều kiện dự thi tuyển chức danh trưởng phòng của 3 phòng: Tổng hợp, Cơ yếu-Công nghệ thông tin, Quản trị. Các ứng viên tham gia thi tuyển là cán bộ, công chức đang công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy và một số sở, ngành của tỉnh như: Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Dân vận Tỉnh ủy... Như vậy, mỗi vị trí trưởng phòng có ít nhất hai ứng viên cạnh tranh thi tuyển. Các thí sinh trải qua hai vòng thi gồm: Vòng 1 thi viết kiến thức chung và vòng 2 thi thuyết trình, bảo vệ đề án.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang, kỳ thi tuyển bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công bằng, khách quan, minh bạch... Việc thuyết trình đề án giúp đánh giá tác phong, khả năng diễn đạt, cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề của các ứng viên. Các ứng viên dự thi đều tuân thủ nghiêm quy chế, nỗ lực cao nhất để thể hiện khả năng, kinh nghiệm và tự tin trả lời câu hỏi của ban giám khảo trong phần thi thuyết trình. Các đồng chí trúng tuyển đều là những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyên môn (thấp nhất 14 năm) và thực sự tiêu biểu về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, uy tín, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trên cương vị mới.

Đánh giá về tác động khi thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU, đồng chí Lê Công Lý, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định: "Đề án được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác cán bộ của tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn mới, vì vậy có tính khả thi cao. Việc triển khai đề án tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên; tạo động lực cho cán bộ, đảng viên, công chức phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành". Mặt khác, thực hiện hiệu quả đề án sẽ nhận được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị; góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ nói riêng, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh nói chung.

MINH MẠNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dot-pha-vao-khau-then-chot-742675