Dự án 22800 Karakurt: Tàu tên lửa đa năng hiện đại của Hạm đội Biển Đen

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tàu tên lửa đầu tiên của Dự án 22800 Karakurt đang hoàn tất các cuộc thử nghiệm trên biển, với các bài kiểm tra hệ thống chính, radar và vũ khí điện tử. Đây là dự án chế tạo một loạt tàu pháo-tên lửa hạng nhẹ đa năng thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển gần.

Theo kế hoạch, tổng cộng sẽ có 18 con tàu thuộc Dự án 22800 Karakurt được chế tạo. Nhờ được trang bị vũ khí tấn công hiện đại, như tên lửa Calibre, các tàu chiến này sẽ tăng cường đáng kể khả năng tác chiến của Hạm đội Biển Đen.

Tàu chiến đa nhiệm

Tàu tên lửa cỡ nhỏ Tsiklon thuộc Dự án 22800 Karakurt là chiếc đầu tiên được đóng tại nhà máy đóng tàu Kerch cho Hạm đội Biển Đen. Hiện con tàu đang hoàn thành các thử nghiệm trên biển.

Theo đó, thủy thủ đoàn của tàu Tsiklon, cùng với đội vận hành của nhà máy, đã thử nghiệm các hệ thống bảo vệ tàu, hệ thống năng lượng và thông tin liên lạc, cùng với các chỉ số về tốc độ, khả năng cơ động và độ ổn định của con tàu.

Ngoài ra, hệ thống radar và vũ khí điện tử cũng được thử nghiệm thành công. Hệ thống vũ khí pháo binh và phòng không cũng đã thực hiện bắn thử nghiệm chống lại các mục tiêu mô phỏng trên biển, ven biển và trên không.

Tàu tên lửa đa năng cỡ nhỏ thuộc Dự án 22800 Karakurt. Ảnh: RT

Tàu tên lửa đa năng cỡ nhỏ thuộc Dự án 22800 Karakurt. Ảnh: RT

Dự án 22800 Karakurt được phát triển bởi các chuyên gia từ Cục Thiết kế Hàng hải Trung ương Almaz ở Saint Petersburg. Hiện đã có 3 tàu của dự án này (gồm Mytishchi, Sovetsk và Odintsovo) đang phục vụ trong Hạm đội Baltic. Theo các nguồn tin mở, có tổng cộng 18 tàu Dự án 22800 Karakurt sẽ được đóng, sẽ được phân bổ cho các hạm đội Thái Bình Dương, Baltic và Biển Đen.

Tàu tên lửa lớp Karakurt là tàu cỡ nhỏ, có khả năng thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên biển và đường thủy nội địa. Nhiệm vụ chính của chúng là phá hủy các cơ sở quan trọng ở khu vực ven biển và tiêu diệt lực lượng mặt nước của đối phương. Tàu có thể thực hiện nhiệm vụ độc lập hoặc trở thành một phần nhóm tấn công của Hải quân Nga.

Lượng choán nước của tàu này là khoảng 800 tấn, chiều dài 67m, rộng 11m. Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 55,5km/giờ, khả năng tự hành liên tục trên biển khoảng 15 ngày, tầm hoạt động từ 4.023-4.506 km. Thủy thủ đoàn gồm 39 người.

Vũ khí trang bị chính của tàu chiến lớp Karakurt là tên lửa hành trình Calibre-NK, với đầu đạn nặng 500 kg. Chúng có thể bắn trúng mục tiêu ở cự ly từ 1.400 - 2.600km.

Việc lắp đặt bệ phóng 3S14 trên các tàu của dự án này cho phép phóng tên lửa chống hạm siêu thanh Onyx. Ngoài ra, theo nguồn tin từ Hải quân Nga, trong tương lai kho vũ khí của các tàu Dự án 22800 Karakurt sẽ được bổ sung bằng bản sửa đổi của tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon.

Hệ thống vũ khí phụ trên tàu lớp Karakurt bao gồm tổ hợp pháo AK-176MA cỡ nòng 76mm. Ngoài ra, tàu còn được trang bị thêm máy bay không người lái trinh sát chiến thuật Orlan-10.

Các tàu lớp Karakurt cũng được trang bị hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-M. Đây là phiên bản hải quân của hệ thống tên lửa phòng không Pantsir, có khả năng đánh trúng mọi loại mục tiêu trên không ở khoảng cách tới 20 km và ở độ cao 15km.

Tổ hợp Pantsir-M bao gồm 8 bệ phóng và 2 pháo phòng không tự động 30mm 6 nòng GSH-6-30. Tổ hợp được thiết kế để bảo vệ tàu chiến trước các cuộc tấn công ồ ạt của vũ khí chính xác cao, hoặc các cuộc tấn công từ máy bay và trực thăng của đối thủ.

Gia tăng sức mạnh tấn công

Các tàu tên lửa cỡ nhỏ mới nhất thuộc Dự án 22800 Karakurt của Nga gần đây đã gây chú ý ở phương Tây. Tờ The National Interest của Mỹ hồi tháng 11-2021 đã đăng một bài viết với tiêu đề: “Hải quân Nga đang chuẩn bị tiếp nhận 3 tàu tên lửa nhỏ tiên tiến của dự án Karakurt”. Tờ báo nhấn mạnh rằng, việc đưa các tàu chiến này vào biên chế thể hiện rõ quá trình hiện đại hóa của Hải quân Nga.

“Các tàu của dự án Karakurt được phát triển như một phần bổ sung, mà không phải để thay thế cho các tàu chiến của lớp Buyan-M hiện đại hóa. Các tàu lớp Karakurt và Buyan có lượng choán nước lần lượt là 850 và 950 tấn, và là sự phản ánh chiến lược hiện đại hóa các hạm đội Nga”, tờ The National Interest nhận định.

 Tàu tên lửa lớp Karakurt làm nhiệm vụ tác chiến trên biển và đường thủy nội địa. Ảnh: RT

Tàu tên lửa lớp Karakurt làm nhiệm vụ tác chiến trên biển và đường thủy nội địa. Ảnh: RT

Một trong những ưu điểm chính của các tàu Dự án 22800 Karakurt là khả năng cơ động và tốc độ. Chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovsky nhấn mạnh, với độ rẽ nước nhỏ và nhờ trang bị vũ khí hiện đại, các tàu chiến này có thể tấn công ở phạm vi chiến lược.

“Khả năng hoạt động của những con tàu này rất rộng, mặc dù độ rẽ nước của chúng rất nhỏ. Trên thực tế, lượng choán nước của chúng nhỏ hơn 1.000 tấn, nhưng chúng có thể bắn trúng mục tiêu ở tầm xa khi sử dụng các tổ hợp tên lửa Calibre. Các tên lửa hành trình này đã được sử dụng thành công để tấn công các mục tiêu khủng bố trên mặt đất ở Syria ”, ông Murakhovsky nói.

Mặc dù trên thực tế, nhiệm vụ chính của các tàu lớp Karakurt là bảo vệ khu vực biển gần, song việc trang bị cho chúng tên lửa hành trình chính xác cao và trong tương lai là vũ khí siêu thanh, có thể sử dụng chúng như một biện pháp răn đe chiến lược.

Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Igor Korotchenko đánh giá cao khả năng tác chiến của những con tàu thuộc Dự án 22800 Karakurt.

“Vũ khí chính của chúng là hệ thống vũ khí tên lửa tấn công, với sức mạnh hỏa lực rất cao. Do đó, các tàu chiến này là yếu tố cần thiết cho sự ổn định của các hạm đội và dự kiến các khả năng trong tác chiến hải quân hiện đại”, ông Korotchenko cho biết.

“Những phát triển mới về hệ thống điều khiển, dẫn đường, hiển thị thông tin và vũ khí tên lửa giúp lớp tàu chiến này mang lại khả năng tác chiến rất lớn cho các hạm đội Nga hiện nay”, chuyên gia kết luận.

MINH TUẤN (Theo RT)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/du-an-22800-karakurt-tau-ten-lua-da-nang-hien-dai-cua-ham-doi-bien-den-683664