Dự án BOT giao thông: Phải minh bạch để tránh gây bức xúc
Ngày 23-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã tổ chức hội thảo góp ý đề xuất xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo cơ quan soạn thảo, thực tiễn triển khai các dự án PPP thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Thông qua các báo cáo thanh tra, kiểm toán đối với các dự án BOT, BT và đặc biệt là báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với các dự án BOT giao thông, một số vấn đề tồn tại của các dự án này là:
Hầu hết các dự án BOT, BT được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, dẫn đến làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn nhiều rủi ro, lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án;
Công tác công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai; Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo, dẫn đến chất lượng thường không đảm bảo, sụt lún, xuống cấp nhưng không được khắc phục kịp thời;
Đáng chú ý, với các dự án BOT giao thông, xuất hiện bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, vị trí đặt trạm thu phí chưa phù hợp, chưa đảm bảo khoảng cách 70km; Thời gian thu phí chưa phù hợp...
Hiện nay, nhiều công trình BOT tại Việt Nam đang trong thời hạn của hợp đồng nhưng đã xuống cấp, có hiện tượng sụt lún, xuất hiện ổ gà nhưng không được cơ quan có thẩm quyền quan tâm kịp thời, dẫn đến tình trạng người dân phải sử dụng dịch vụ không đúng chất lượng nhưng vẫn phải trả phí.
Bên cạnh đó, do chưa có quy định rõ ràng về việc lựa chọn những dự án "nâng cấp, cải tạo" hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT hay đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, dẫn đến việc người dân không có sự lựa chọn đối với các tuyến đường độc đạo. Vụ việc nổi cộm là BOT Cai Lậy đã khiến người dân bất bình trong thời gian vừa qua.
Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: "Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là hình thức đầu tư tiên tiến, giúp xã hội hóa dịch vụ công, thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia khi Nhà nước không đủ nguồn lực tham gia.
Tuy nhiên, do chi phí đầu tư lớn, thời gian thực hiện dự án kéo dài nên vẫn có rủi ro, cần có khung khổ pháp lý để đảm bảo đầu tư cân bằng lợi ích giữa các bên". Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, các dự án BOT đòi hỏi phải minh bạch để tránh gây bức xúc.