Dự án chế biến và nâng cao giá trị sản phẩm nhãn lồng vào chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp xanh

Dự án 'Xây dựng cơ sở sản xuất và chế biến nông sản gắn với phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản nhãn lồng Hưng Yên' của Nhóm tác giả Nguyễn Thị Mỵ, Nguyễn Thị Vui và Nguyễn Thị Nhung đến từ HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ Nông nghiệp Hồng Nam (xã Hồng Nam, TP. Hưng Yên) là một trong 36 ý tưởng/dự án được lựa chọn vào vòng Chung kết Cuộc thi.

 Nhóm tác giả Dự án cùng Ban Giám khảo Cuộc thi

Nhóm tác giả Dự án cùng Ban Giám khảo Cuộc thi

Cuộc thi Ý tưởng/Dự án Khởi nghiệp Xanh - Phát triển bền vững năm 2024 (Cuộc thi Khởi nghiệp xanh) do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp - BSA, Công ty Cổ phần Vinamit, Tập đoàn cà phê Trung Nguyên và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Cuộc thi được thiết kế để phát triển khả năng kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm của các nông dân trẻ, tăng cường đội ngũ doanh nhân theo hướng kinh tế xanh, phát triển bền vững; khuyến khích sự đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trẻ trong các lĩnh vực của nền kinh tế xanh, tạo tác động xã hội.

Được biết, từ khi phát động cuộc thi (tháng 3/2024) đến cuối tháng 7/2024, Ban Tổ chức đã nhận được 199 ý tưởng/dự án khởi nghiệp đến từ 46 tỉnh, thành của các cá nhân và tập thể. Sau quá trình đánh giá, Ban giám khảo đã chọn ra 119 ý tưởng/dự án của 44 tỉnh, thành tham dự các vòng bán kết được tổ chức tại 3 tỉnh, thành: Đồng Tháp, Đắc Lắk, Hà Nội.

Nhóm tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và đại diện của các Dự án vào vòng Chung kết Cuộc thi

Nhóm tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và đại diện của các Dự án vào vòng Chung kết Cuộc thi

Sau vòng Bán kết tại 3 tỉnh, thành, Ban tổ chức đã lựa chọn 36 ý tưởng/dự án vào vòng chung kết toàn quốc. Dự kiến vòng chung kết sẽ diễn ra tại TPHCM vào tháng 11/2024.

Dự án "Xây dựng cơ sở sản xuất và chế biến nông sản gắn với phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản Nhãn lồng Hưng Yên" không chỉ khẳng định giá trị thương hiệu của cây nhãn Hưng Yên mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp tỉnh. Đây là Dự án duy nhất của Hưng Yên tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp xanh với mục tiêu nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm từ nhãn Hưng Yên trên thị trường.

Sản phẩm của Dự án được sản xuất theo quy trình khép kín một chiều trong phòng lạnh với nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn VietGap, áp dụng công nghệ sấy điện ưu việt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn HCCP toàn cầu. Đặc biệt, Dự án không chỉ dừng lại ở việc phát triển công nghệ chế biến, mà còn gắn kết với du lịch sinh thái phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của vùng đất Hưng Yên, nơi cây nhãn đã trở thành biểu tượng đặc sản nổi tiếng.

Dự án "Xây dựng cơ sở sản xuất và chế biến nông sản gắn với phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản Nhãn lồng Hưng Yên" của Nhóm tác giả hứa hẹn không chỉ làm phong phú thêm hệ sinh thái nông nghiệp xanh, mà còn trở thành một mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế nông nghiệp xanh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và truyền thống địa phương.

Đào Liên (Hội LHPN tỉnh Hưng Yên)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/du-an-che-bien-va-nang-cao-gia-tri-san-pham-nhan-long-vao-chung-ket-cuoc-thi-khoi-nghiep-xanh-20241017224717235.htm