Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng: Không nên để lãng phí kéo dài thêm nữa!

TP.HCM đang bước vào đợt cao điểm ngập do triều cường, nhưng dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đã xong hơn 90% vẫn nằm phơi mưa phơi nắng nhiều năm nay. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải quyết liệt gỡ vướng để đưa dự án vào sử dụng, không để lãng phí kéo dài thêm nữa.

Vừa thiếu vốn, vừa vướng thủ tục

Những ngày qua, đỉnh triều cường tại TP.HCM có lúc lên đến gần 1,8m, xấp xỉ đỉnh triều lịch sử năm 2019, vượt mức báo động III (1,6m). Do triều lên vào giờ cao điểm buổi chiều nên nhiều trường học ở các “rốn ngập” trên địa bàn quận 7, huyện Nhà Bè đã đề nghị phụ huynh đón con từ 15g để tránh ngập nước, kẹt xe. Triều cường khiến việc sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, đi lại chật vật.

Trong khi đó, nằm gần các tuyến đường thường xuyên bị ngập do triều cường, 6 cống ngăn triều hoành tráng đã xây gần xong (đạt 86-97%) nhưng bị đình trệ suốt nhiều nay. Đây là các hạng mục chính của dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (còn gọi là dự án ngăn triều, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng).

Cống ngăn triều Tân Thuận được kỳ vọng chống ngập cho "rốn ngập" ở quận 4, 7 nhưng "bất động" 4 năm nay sau khi đã hoàn thành hơn 93%. Ảnh: T.M

Cống ngăn triều Tân Thuận được kỳ vọng chống ngập cho "rốn ngập" ở quận 4, 7 nhưng "bất động" 4 năm nay sau khi đã hoàn thành hơn 93%. Ảnh: T.M

Khởi công từ tháng 6.2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2018 nhưng thời gian qua, dự án đã phải tạm dừng 3 lần, lần gần nhất là từ tháng 11.2020 đến nay. Theo Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam - nhà đầu tư, dự án đã giải ngân hơn 8.276 tỉ đồng trong tổng số 9.976 tỉ đồng tổng vốn đầu tư. Nguồn vốn còn lại cần huy động để hoàn thành công trình khoảng 1.800 tỉ đồng, nhưng nhà thầu không còn kinh phí để triển khai, trong khi đơn vị cấp vốn cho dự án không thể tiếp tục cho vay do thiếu cơ sở pháp lý.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vướng mắc lớn nhất của dự án là về thủ tục - thủ tục dự án thiếu sót ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, dự án thuộc Nhóm A, do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, thời gian, tiến độ thực hiện. Thế nhưng, dự án đã được thông qua và triển khai khi chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng, mà chỉ được Thủ tướng chấp thuận chủ trương thực hiện dự án bằng thông báo của Văn phòng Chính phủ. Ngày 1.4.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP, trong đó chỉ ra thiếu sót này.

Dự án chống ngập bị "ngập" trong vướng mắc nên hiện nay, do kéo dài đã phát sinh chi phí dẫn đến tổng đầu tư vượt trên 10.000 tỉ đồng, từ dự án Nhóm A trở thành dự án quan trọng quốc gia - phải do Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Chưa kể, pháp luật hiện hành không quy định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện thì có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Đồng thời, dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công tư, cụ thể là hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), trải qua thời gian có sự thay đổi quy định pháp luật liên quan. Tuy nhiên, các quy định chỉ cho thanh toán chuyển tiếp với hợp đồng BT được ký kết theo đúng quy định pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng. Trong khi việc ký kết dự án ngăn triều thì lại không đúng quy định như đã biết.

Cống ngăn triều Bến Nghé (quận 1, 4) đã hoàn thành 97% nhưng trông như bị bỏ hoang. Ảnh: T.M

Cống ngăn triều Bến Nghé (quận 1, 4) đã hoàn thành 97% nhưng trông như bị bỏ hoang. Ảnh: T.M

Cần mạnh dạn áp dụng cơ chế đặc thù

Mới đây, UBND TP.HCM đã có công văn gửi Thủ tướng và Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị tháo gỡ vướng mắc tại dự án. Theo UBND TP.HCM, do tổng mức đầu tư dự án đã có sự thay đổi, thời gian thực hiện dự án đã hết, việc ký kết hợp đồng và thực hiện có một số thiếu sót nên để đảm bảo cơ sở pháp lý, cần triển khai thực hiện thủ tục điều chỉnh. Tuy nhiên, thủ tục điều chỉnh tổng thể dự án rất phức tạp, mất nhiều thời gian và cần thương thảo thống nhất với Ngân hàng BIDV (đơn vị cho vay vốn) và nhà đầu tư về cách tính lãi vay. Do đó, lãnh đạo thành phố đề xuất thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án.

Cụ thể, thực hiện đồng thời thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để làm cơ sở ký kết phụ lục hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán. Sau khi điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT sẽ là cơ sở để thành phố có thể bắt đầu thực hiện việc thanh toán bằng quỹ đất là các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT, giải quyết được nguồn vốn cho nhà đầu tư hoàn thành công trình và giảm bớt chi phí phát sinh lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án. Như vậy dự án cơ bản khắc phục các thiếu sót tại Điều 1 Nghị quyết 40/2021 như đã nêu trên.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng việc để dự án đình trệ nhiều năm nay khiến hàng ngàn tỉ đồng đã giải ngân bị “đóng băng” trong các hạng mục bỏ hoang, chưa kể phát sinh lãi vay 2 tỉ đồng/ngày, lãng phí chồng lãng phí, là không thể chấp nhận được. “Tôi cho rằng không có vướng mắc nào là không gỡ được, vấn đề là những người có trách nhiệm, cơ quan có thẩm quyền có dám quyết hay không?", luật sư Nguyễn Văn Hậu đặt câ hỏi.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu thực tế, Chính phủ đã rất tạo điều kiện cho chính quyền TP.HCM thông qua các chủ trương, chính sách đặc thù như Nghị quyết 40/NQ-CP (cho phép UBND TP.HCM được tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù), Nghị quyết 98/2023/QH15 (về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù), nhưng có vẻ lãnh đạo thành phố vẫn chưa quyết tâm, dám làm: "Chính sự thụ động chờ đợi của thành phố đã đẩy dự án vào “ngõ cụt”, càng để lâu lại càng khó giải quyết vì chi phí, lãi không ngừng phát sinh theo thời gian", luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Nhìn nhận đề xuất phương án tháo gỡ mới đây của UBND TPHCM là tín hiệu tích cực, nhưng luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, nếu chính quyền thành phố không tự thay đổi, bứt phá, vẫn tiếp tục không mạnh dạn thì dù có sự chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc từ Quốc hội, Thủ tướng, dự án cũng sẽ vẫn có nguy cơ “đắp chiếu, tiếp tục phát sinh các vướng mắc mới”.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, đại biểu HĐND TP.HCM, cho hay theo ước tính, tổng đầu tư dự án hiện đã vượt 14.000 tỉ đồng. Mặc dù dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc, nhưng thành phố chưa thể thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT do vướng mắc thủ tục. Thành phố đã đề xuất sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư, điều này có thể giúp giải quyết vấn đề tài chính mà không cần sử dụng nguồn ngân sách trực tiếp. Ngoài ra, UBND TP.HCM đề xuất cho phép Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) nhận ủy thác cho vay từ nguồn ngân sách thành phố. HFIC sẽ sử dụng nguồn vốn này để thanh toán cho nhà đầu tư, giúp dự án tiếp tục triển khai.

Ông Thắng hy vọng những giải pháp tài chính này có thể đảm bảo dự án chuyển động một khi các thủ tục pháp lý phức tạp được giải quyết.

Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam:

Cần tinh thần của dự án đường dây 500kV Bắc Nam!

Đối với dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng, vướng mắc cốt lõi là về quy trình và thủ tục chứ không phải vấn đề kỹ thuật. Trước mắt, dự án đã cơ bản hoàn thành thì có thể đưa vào khai thác để tranh thủ hiệu quả đầu tư, thay vì bỏ không, còn người dân khốn khổ vì ngập. Thực tế, nhiều công trình thủy lợi vừa làm, vừa tranh thủ đưa các hạng mục đã được nghiệm thu giai đoạn vào khai thác ngay. Ví dụ, dự án cống Cái lớn - Cái bé (Kiên Giang) khi làm xong cống, lắp cửa van là đưa vào ngăn mặn ngay, giảm thiệt hại cho người dân hàng trăm tỉ đồng.

Tôi cho rằng, sự đình trệ ở dự án ngăn triều có nguyên nhân do chính quyền địa phương cứ mãi bị ràng buộc vào cơ chế xin - cho với trung ương, trong khi trung ương đã cho thành phố cơ chế đặc thù. Thành phố cần chủ động tham mưu giải pháp, chủ động thương thảo với trung ương về các vấn đề liên quan đến tài chính và cơ chế. Có thể đề xuất một chương trình thí điểm cho dự án, cho phép áp dụng các quy định đặc cách, đặc thù. Điều này sẽ tạo điều kiện để dự án triển khai mà không bị cản trở bởi những quy định rườm rà.

Dự án đường dây cao áp 500kV Bắc - Nam ban đầu cũng có rất nhiều vướng mắc do là loại công trình đầu tiên được thực hiện với quy mô lớn như thế. Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, vướng chỗ nào gỡ ngay chỗ đó chứ không để bị cơ chế ràng buộc, cho nên dự án mới hoàn thành nhanh kỷ lục. Để dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng sớm đi vào hoạt động, cần có sự quyết tâm và hành động mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo.

_____________________

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam làm nhà đầu tư. Doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547. Tổng mức đầu tư là gần 10.000 tỉ đồng.

Dự án thuộc nhóm A; hình thức đầu tư là đối tác công tư (PPP); hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), thanh toán bằng quỹ đất và ngân sách TP.HCM.

Mục tiêu dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Quy mô xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn và xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh (giai đoạn 1), bao gồm khoảng 6 km đê/kè ở các đoạn xung yếu, 43 cống nhỏ từ Vàm Thuật đến Mương Chuối; xây dựng nhà quản lý trung tâm và hệ thống Scada.

Tuấn Minh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/du-an-chong-ngap-10-000-ti-dong-khong-nen-de-lang-phi-keo-dai-them-nua-45810.html