Dự án cũ của Tân Hoàng Minh đổi tên, đổi chủ vẫn chật vật tìm khách

Dự án 'dát vàng' D'.Palais de Louis của Tân Hoàng Minh dù đã đổi tên thành Hanoi Signature và xuất hiện chủ mới là Ramond Holdings nhưng tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt gần 20%.

Dự án “dát vàng” của Tân Hoàng Minh đã đổi tên thành Hanoi Signature. Ảnh: Lệ Chi

Dự án “dát vàng” của Tân Hoàng Minh đã đổi tên thành Hanoi Signature. Ảnh: Lệ Chi

Tên tuổi mới tiếp quản, dự án “dát vàng” của Tân Hoàng Minh đổi tên

Dự án D’.Palais de Louis nằm tại số 6 Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) được khởi công xây dựng cuối năm 2009 do Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư. Tòa nhà cao 32 tầng nổi và 4 tầng hầm, gồm 242 căn hộ cao cấp có diện tích từ 113 - 240 m2, với 2-3 phòng ngủ được triển khai xây dựng trên khu đất có diện tích 4.701 m2.

Ra mắt vào năm 2012, căn hộ D’.Palais de Louis được rao bán với mức giá lên tới 145 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 13-27 tỷ đồng một căn - đắt giá nhất thị trường Hà Nội thời điểm đó. Tuy nhiên do chậm tiến độ, chủ đầu tư đã phải trả lại toàn bộ tiền đặt cọc cho khách hàng.

Sau một thời gian dài “nằm im”, đến tháng 4/2024, dự án này mới bắt đầu tái khởi động khi được đổi tên thành Hanoi Signature, đồng thời đổi sang chủ đầu tư mới là Ramond Holdings. Thông tin này được bà Phạm Thị Lan Phương - Founder & CEO Ramond Holdings - chia sẻ tại sự kiện đào tạo “Khai mở hành trình” diễn ra ngay tại dự án.

Theo giới thiệu của bà Lan Phương, Ramond Holdings là một thương hiệu hoàn toàn mới, được thành lập bởi sự kết hợp giữa 2 “ông lớn” là Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Tập đoàn Xuân Thiện.

Ngay sau khi đổi tên dự án, chủ đầu tư mới Ramond Holdings đã đưa ra chính sách bán hàng và thông tin về giá bán dự án này. Theo đó, chủ đầu tư nhận booking đặt chỗ từ ngày 18/5 đến 18/6. Mỗi booking đặt chỗ tối thiểu 100 triệu đồng/căn. Sau đó, chủ đầu tư sẽ thông báo ráp căn và khách hàng cần phải đủ tiền cọc 300 triệu đồng vào tài khoản của chủ đầu tư.

Có 3 hình thức bàn giao căn hộ. Gói bàn giao thô có khoảng 30 căn với mức giá 97-180 triệu đồng/m2; bàn giao cơ bản có khoảng 70 căn hộ với giá 145-198 triệu đồng/m2; bàn giao hoàn thiện có 140 căn mức giá 140-219 triệu đồng/m2. Thời gian bàn giao căn hộ dự kiến vào quý II/2025, bao gồm sổ đỏ tổng.

 Do giá bán cao và vấn đề pháp lý trước đây nên khiến cho dự án Hanoi Signature khó tiếp cận khách hàng. Ảnh: Lệ Chi

Do giá bán cao và vấn đề pháp lý trước đây nên khiến cho dự án Hanoi Signature khó tiếp cận khách hàng. Ảnh: Lệ Chi

Chật vật tìm khách

Hanoi Signature tái khởi động vào đúng thời điểm thị trường bất động sản Hà Nội sôi động, đặc biệt là phân khúc chung cư gây sốt kể từ tháng 3 cho đến nay. Sự trở lại của dự án này cũng gây chú ý trên thị trường bất động sản khi nhiều người bày tỏ liệu rằng sau khi đổi tên, dự án nằm tại khu “đất vàng” có đổi vận.

Báo cáo quý III của đơn vị nghiên cứu thị trường Avision Young vừa công bố cho thấy dự án Hanoi Signature của Ramond Holdings nhận được sự quan tâm khi là dự án căn hộ hạng sang xuất hiện trong những năm gần đây.

Avision Young thông tin dự án này đang có mức giá sơ cấp trung bình khoảng 6.700 USD/m2 (khoảng 166 triệu đồng/m2). Tuy nhiên, Hanoi Signature đang có tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt gần 20%.

Nguyên nhân hiệu suất bán hàng của dự án này khá chậm, theo đơn vị này, do giá bán cao và vấn đề pháp lý trước đây nên khiến cho dự án khó tiếp cận khách hàng.

Một môi giới bán hàng tại dự án Hanoi Signature cũng cho biết giao dịch căn hộ khá chậm, do chính sách bán hàng và giá bán của chủ đầu tư chưa hấp dẫn.

Theo tìm hiểu của VietTimes, khác với thông tin giới thiệu ban đầu Ramond Holdings là chủ đầu tư dự án Hanoi Signature, nay một số website giới thiệu về dự án này đồng loạt sửa lại thành nhà phát triển Ramond Holdings.

Thông thường, nhà phát triển dự án có trách nhiệm thay mặt chủ đầu tư giải quyết nghĩa vụ tài chính với nhà nước, huy động vốn, quản lý tài chính, thi công, giám sát xây dựng, phân phối bán hàng cũng như triển khai các hoạt động truyền thông cho dự án. Như vậy, nhà phát triển dự án có trách nhiệm, vai trò như chủ đầu tư nhưng họ lại không phải chủ đầu tư. Khi có các vấn đề, tranh chấp xảy ra thì chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm giải quyết với khách hàng.

Hơn nữa, Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư dự án bất động sản không được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác ký hợp đồng đặt cọc, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua nhà ở công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản. Do vậy, người mua cần lưu ý điều này để tránh những tranh chấp không đáng có.

Lệ Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/du-an-cu-cua-tan-hoang-minh-doi-ten-doi-chu-van-chat-vat-tim-khach-post179091.html