Dự án Di sản văn hóa sống: Cơ hội 'xuất khẩu văn hóa', phát triển du lịch

Từ 11 hồ sơ gửi về tham gia dự án 'Di sản văn hóa sống' do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) thực hiện, 4 hồ sơ có sức thuyết phục, khả thi nhất đã được xét duyệt. Không chỉ tạo động lực gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa, đây còn là cơ hội 'xuất khẩu văn hóa', phát triển du lịch khi thông tin, hình ảnh về các dự án được đăng tải rộng rãi trên website của Hội đồng Anh.

Khi thuyền độc mộc đi vào… dự án

Từng không ít lần đi vào các tác phẩm thơ, nhạc nổi tiếng song đây là lần đầu tiên thuyền độc mộc trên sông Pô Cô có mặt trong một dự án bảo tồn. Với tính khả thi cao, độc đáo, dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Jrai ở xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai” đã được xét duyệt với mức tài trợ cao nhất là 150 triệu đồng.

Bà Lê Thị Phương Loan-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai, chủ nhiệm dự án-nêu thực trạng: Ngày nay, vì sự tiện dụng nên thuyền vỏ thép sử dụng phổ biến trên sông Pô Cô thay cho những chiếc thuyền độc mộc. Sự xâm nhập của văn hóa hiện đại cũng đang khiến một bộ phận người trẻ Jrai không còn mặn mà với tiếng cồng, tiếng chiêng. Mặc dù vậy, vẫn có những thanh niên đam mê, tâm huyết với việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống. Họ là những nhân tố đi đầu trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng, thuyền độc mộc ở khu vực biên giới huyện Ia Grai.

Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô. Ảnh: Phương Linh

Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô. Ảnh: Phương Linh

Từ đó, dự án đã đề xuất các hoạt động chính bao gồm: truyền thụ kiến thức đẽo thuyền, bảo trì thuyền, dạy bơi thuyền độc mộc; làm mô hình thuyền độc mộc phục vụ du lịch; hướng dẫn trình diễn và chỉnh sửa cồng chiêng; phổ biến một số bài chiêng truyền thống cho thanh thiếu nhi… Cùng với đó là tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô; tổ chức liên hoan cồng chiêng; triển lãm ảnh về thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng; giới thiệu các sản phẩm truyền thống đặc sắc của địa phương (dệt, đan lát, nhạc cụ dân tộc…). Với những hoạt động trên, địa phương có điều kiện bảo tồn văn hóa truyền thống đặc sắc của cư dân bản địa xã biên giới Ia O, thu hút khách du lịch và giải quyết một phần sinh kế cho người dân. Dự kiến số người hưởng lợi từ dự án khoảng 1.120 người; thời gian thực hiện dự án từ tháng 12-2021 đến tháng 5-2022.

Cơ hội “xuất khẩu văn hóa”, phát triển du lịch

Cùng với dự án trên, 3 dự án khả thi khác cũng đã được xét duyệt, gồm: “Phát huy giá trị tượng gỗ dân gian của người Bahnar, Jrai tại Gia Lai” do Thạc sĩ Hoàng Thanh Hương làm chủ nhiệm; “Giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa dân tộc Jrai tại xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, Gia Lai” (tác giả Ksor H’Nhi); “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai” (tác giả Trần Thị Bích Ngọc).

Chị Ksor H’Nhi, một đoàn viên của Đoàn xã Ia Rbol, Tổ trưởng Tổ nấm (Hợp tác xã nông nghiệp Thống Nhất, xã Ia Rbol) hào hứng trò chuyện: Khi biết tin dự án của mình được xét duyệt, chị đã mừng đến rơi nước mắt. Dự án được chị ấp ủ với mong muốn thành lập 1 câu lạc bộ sinh hoạt truyền thống cho thanh-thiếu niên để tập luyện, trình diễn cồng chiêng, từ đó tiếp nối truyền thống một cách bền vững. Tiếp đến là mở tour du lịch cộng đồng để du khách trải nghiệm văn hóa Jrai bản địa kết hợp với tham quan, thu hoạch các loại nấm sạch tại hợp tác xã, đồng thời tạo sinh kế cho người dân. Chị H’Nhi nhận định: “Hội đồng Anh là một tổ chức quốc tế uy tín. Khi thông tin về dự án được giới thiệu trên trang web của tổ chức này, văn hóa truyền thống Jrai sẽ có cơ hội lớn để quảng bá, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch địa phương”.

Tương tự, 2 dự án liên quan đến tượng gỗ dân gian và dệt thổ cẩm cũng được “tiếp sức” nhiệt tình để “bơi” ra “biển lớn”. Sự trân trọng của dự án “Di sản văn hóa sống” dành cho các ý tưởng bảo tồn, đã khẳng định tính công bằng, khách quan của dự án, tạo cơ hội cho các cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong việc bảo tồn các giá trị truyền thống, “xuất khẩu văn hóa”, góp phần vào sự phát triển bền vững tại địa phương.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202111/du-an-di-san-van-hoa-song-co-hoi-xuat-khau-van-hoa-phat-trien-du-lich-5758271/