Dự án 'Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam giai đoạn 2': Trang bị kiến thức lâm sinh để phát triển rừng

Qua 2 lớp tập huấn biện pháp lâm sinh trong phát triển rừng tự nhiên và rừng trồng đã giúp cho 72 cán bộ, nhân viên lâm nghiệp, các chủ rừng và hộ gia đình sản xuất rừng nâng cao kiến thức, kĩ thuật tu bổ, phục hồi rừng tự nhiên; kĩ thuật trồng, chăm sóc, chuyển hóa và kinh doanh rừng gỗ lớn… để họ áp dụng vào thực tế, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên và chuyển đổi hình thức kinh doanh từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, tăng thu nhập.

 Tập huấn biện pháp kĩ thuật lâm sinh phát triển rừng trồng

Tập huấn biện pháp kĩ thuật lâm sinh phát triển rừng trồng

Nội dung tập huấn bao gồm 2 phần: lí thuyết và thực hành. Ở phần lí thuyết, tập trung giới thiệu các chủ trương, chính sách của Nhà nước và tỉnh Quảng Trị trong việc bảo vệ, phát triển rừng; hướng dẫn các kĩ thuật như: khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung; tu bổ rừng với hình thức luỗng phát dây leo, bụi rậm, cây sâu bệnh; làm giàu và nuôi dưỡng rừng tự nhiên; trồng rừng gỗ lớn; chuyển hóa kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng gỗ lớn… Phần thực hành được tổ chức tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và mô hình rừng trồng gỗ lớn ở xã Hải Phú (Hải Lăng). Nội dung thực hành một số thao tác kĩ thuật quan trọng như: kĩ thuật trồng, tỉa thưa, cắt hạ cây và cách phân tích hình thái cây mục đích để lại và cây bài chặt; cách nhận biết cây sâu bệnh, kĩ thuật hạ, phát dây leo… Bên cạnh đó, các chuyên gia, giảng viên và cán bộ dự án cùng với học viên trao đổi, thảo luận về các biện pháp kĩ thuật lâm sinh. Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị Hoàng Thanh cho biết: “Ban quản lí (BQL) Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ Việt Nam giai đoạn 2 (FCPF-2) tỉnh Quảng Trị tổ chức 2 lớp tập huấn biện pháp lâm sinh trong phát triển rừng tự nhiên và rừng trồng là rất cần thiết cho cán bộ, nhân viên lâm nghiệp, công ty lâm nghiệp, chủ rừng và người dân trồng rừng áp dụng các kiến thức, kĩ thuật đã học vào nâng cao chất lượng rừng tự nhiên cũng như chuyển đổi hình thức kinh doanh rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn...”.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành Lâm nghiệp, rừng Quảng Trị vốn có trữ lượng lớn và mức độ đa dang sinh học cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chiến tranh, một số vùng rừng bị hủy hoại do ảnh hưởng chất độc hóa học, khó hồi phục lại được nên hệ sinh thái rừng tự nhiên bị suy thoái, trữ lượng rừng tự nhiên bị giảm sút và nghèo kiệt. Ngoài ra, những diện tích rừng đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình quản lí, bảo vệ, do không đủ điều kiện về kinh tế và các biện pháp kĩ thuật tác động nên việc tăng khả năng tái sinh phục hồi rừng tự nhiên là rất khó, chủ yếu để rừng phục hồi theo diễn thế tự nhiên. Thông qua các chương trình, dự án (Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, dự án JIBIC, JICA2…) đã khoanh nuôi phục hồi được trên 30.000 ha rừng, trong đó, đối tượng khoanh nuôi phục hồi chủ yếu là rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng non chưa có trữ lượng, trảng cây tái sinh IC. Chính vì thế, các lớp tập huấn này mang lại nhiều kết quả tích cực, nhất là cung cấp kiến thức, kĩ thuật cho cán bộ, nhân viên lâm nghiệp và cộng đồng nhận khoán, bảo vệ rừng.

Ông Hồ Đức Hiệp, Trưởng nhóm hộ tham gia bảo vệ rừng thôn Kỳ Ne (A Ngo, Đakrông) cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi được tham gia lớp tập huấn biện pháp lâm sinh trong phát triển rừng tự nhiên. Qua lớp tập huấn, chúng tôi được trang bị kiến thức về phát triển rừng tự nhiên theo hướng nâng cao chất lượng rừng, tăng cường hấp thụ carbon và tăng hiệu quả môi trường, kinh tế, xã hội; nắm vững chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác quản lí, bảo vệ và phát triển rừng; các quy trình kĩ thuật tu bổ, phục hồi rừng tự nhiên và áp dụng vào thực tế để làm tốt hơn công tác bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên. Chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các thành viên trong nhóm bảo vệ rừng Kỳ Ne và những người dân sống gần rừng hiểu rõ công tác bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên, từ đó, cùng thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ rừng tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu”.

Hiện nay, sản xuất và kinh doanh rừng gỗ lớn rất được chú trọng nhằm khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh ở Quảng Trị. Phát triển rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tăng khả năng phòng hộ của rừng, góp phần vào bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu. Đa số chủ rừng hiện chưa quan tâm đến mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, bởi nguyên nhân chính là do chu kì kinh doanh dài, chủ rừng không đủ nguồn lực tài chính, có nhiều rủi ro do thiên tai. Bên cạnh đó, người trồng rừng chưa nắm được các kĩ thuật cũng là những hạn chế để phát triển rừng gỗ lớn.

Qua khảo sát, hiện nay nhu cầu sử dụng gỗ lớn rất nhiều. Anh Đặng Sỹ Đức, cán bộ truyền thông BQL Dự án FCPF-2 tỉnh Quảng Trị cho biết: “Để người dân và các chủ rừng dần chuyển đổi hình thức kinh doanh rừng, tỉnh cần thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao kĩ thuật nhiều hơn. Vì vậy, việc tập huấn kĩ thuật trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng từ kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn là rất cần thiết. Xác định rõ điều đó, BQL dự án đã đề xuất với các cấp, ngành liên quan về tổ chức tập huấn biện pháp lâm sinh về phát triển rừng trồng”.

Với những nội dung phong phú, thiết thực và có nhiều điểm mới trong tập huấn biện pháp lâm sinh phát triển rừng trồng đã giúp cán bộ, nhân viên lâm nghiệp, chủ rừng và hộ gia đình sản xuất rừng nâng cao hiểu biết, kĩ thuật để thực hiện phát triển rừng trồng trong bối cảnh hiện nay.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143293