Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi): Mong muốn bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động

Hôm nay 24-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Theo nhiều ý kiến của chuyên gia, người lao động (NLĐ), nếu được thông qua, Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ trao quyền để công đoàn thực hiện quyền đại diện đương nhiên của NLĐ trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ.

Gian nan, tốn thời gian, công sức, tiền bạc

Quy định công đoàn chỉ được đại diện cho NLĐ khởi kiện khi NLĐ ủy quyền khiến tổ chức công đoàn gặp nhiều khó khăn khi đại diện đoàn viên công đoàn, NLĐ khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm, nhất là doanh nghiệp nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) rất nhiều như hiện nay.

 Người lao động tham gia một buổi tuyên truyền pháp luật do tổ chức công đoàn thành phố tổ chức. Ảnh: HỒNG HẢI

Người lao động tham gia một buổi tuyên truyền pháp luật do tổ chức công đoàn thành phố tổ chức. Ảnh: HỒNG HẢI

Ông Nguyễn Phước Dũng, LĐLĐ huyện Nhà Bè, TPHCM, cho biết, trên địa bàn huyện xảy ra sự việc 1 doanh nghiệp không thanh toán tiền lương, các khoản phụ cấp khác và không đóng BHXH cho NLĐ từ tháng 12-2021 đến nay. Ông Dũng và công đoàn cơ sở của công ty đã đại diện cho 135 NLĐ đứng ra làm việc với đại diện doanh nghiệp. Sau khi hòa giải, phía doanh nghiệp cam kết đến ngày 31-10 sẽ thanh toán tiền lương (tính đến tháng 7-2024) và chốt sổ BHXH cho NLĐ. Cũng theo ông Dũng, doanh nghiệp này có rất đông NLĐ, hiện nhiều người đã nghỉ việc, đi làm việc khác tứ tán khắp nơi. Do đó để tập hợp được đầy đủ giấy ủy quyền cho công đoàn để công đoàn đứng ra khởi kiện doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí, ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ.

Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM là nơi nhiều NLĐ đến để nhờ tư vấn pháp luật, thậm chí ủy quyền để trung tâm thực hiện các vụ kiện đòi quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho mình. Ông Trần Văn Triều, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM, người có thâm niên 37 năm công tác ở lĩnh vực có liên quan chính sách, quyền lợi của NLĐ, cho rằng, vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức công đoàn rất quan trọng. Thế nhưng, thực tế hiện nay có nhiều vụ việc doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH nhưng công đoàn chưa thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của NLĐ do vướng quy định, phải thu thập ủy quyền của từng cá nhân NLĐ mới đủ quyền khởi kiện. “Đâu phải vụ việc nào cũng có 100% NLĐ thực hiện làm giấy ủy quyền cho tổ chức công đoàn. Việc thu thập giấy ủy quyền rất gian nan, lại tốn chi phí của NLĐ”, do đó, ông Triều đề nghị Luật Công đoàn (sửa đổi) cần điều chỉnh theo hướng tổ chức công đoàn được phép đại diện NLĐ để khởi kiện theo yêu cầu của NLĐ.

Tạo thuận lợi hơn trong bảo vệ người lao động

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao TPHCM, TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, vì vướng quy định công đoàn chỉ được đại diện cho NLĐ khởi kiện khi NLĐ ủy quyền nên nhiều sự vụ NLĐ nhờ công đoàn cơ sở công ty can thiệp khởi kiện rất gian nan. “Nếu tổ chức công đoàn được trao quyền khởi kiện thì sẽ giảm được rất nhiều phiền hà cho NLĐ khi đứng ra bảo vệ quyền lợi của NLĐ”, ông Lưu Kim Hồng bày tỏ.

Theo ông Vũ Minh Tiến, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2025. Việc sửa đổi Luật Công đoàn trong bối cảnh hiện nay có tầm quan trọng trong việc thể chế hóa tinh thần đổi mới Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, đồng thời phù hợp với một số quy định của pháp luật được ban hành sau khi Luật Công đoàn 2012 được ban hành và có hiệu lực pháp luật.

Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Phạm Chí Tâm cho rằng, đối với thủ tục đại diện cho NLĐ khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) nên quy định theo hướng tổ chức công đoàn là đại diện đương nhiên cho NLĐ. NLĐ là đoàn viên công đoàn, tức là thành viên của tổ chức công đoàn nên công đoàn có quyền đại diện đương nhiên cho họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước tòa mà không cần phải làm thủ tục ủy quyền.

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM, cũng đồng tình với quy định công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên cho NLĐ, nên được quyền trực tiếp đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ. Bà Trần Kim Yến nêu ví dụ, nhiều lao động nữ gần đến ngày sinh mà không có BHXH, nghỉ 6 tháng thai sản không có chế độ hỗ trợ gì sẽ rất khó khăn. Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH không phải chỉ là một vài người, có doanh nghiệp nợ BHXH cả ngàn người mà yêu cầu tất cả NLĐ ủy quyền là rất khó, bất hợp lý. Chưa kể, phí ủy quyền cũng là một rào cản.

Theo báo cáo của LĐLĐ TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổ Tư vấn pháp luật và Trung tâm Tư vấn pháp luật của LĐLĐ thành phố đã kịp thời hỗ trợ tư vấn cho hơn 3.500 trường hợp, thông qua hình thức: tư vấn trực tiếp, qua điện thoại, trang thông tin điện tử của các cấp công đoàn. Riêng trong năm 2022, ngoài hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục khởi kiện, Trung tâm Tư vấn pháp luật của LĐLĐ thành phố còn cử cán bộ tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hàng chục NLĐ tại tòa án, giúp nhiều trường hợp đòi được quyền lợi với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.

HỒNG HẢI - THÀNH CHUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/du-an-luat-cong-doan-sua-doi-mong-muon-bao-ve-tot-hon-quyen-loi-cua-nguoi-lao-dong-post765010.html