Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi): Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk.
Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá, dự thảo Luật đã bám sát các nhóm vấn đề lớn: Nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về phân cấp, phân quyền, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhất trí phân cấp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang cho Thủ tướng nhằm cắt giảm trình tự, thủ tục, tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu chỉ rõ, theo quy định hiện nay của Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tiễn triển khai cho thấy, thời gian để xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh mất nhiều thời gian (trung bình mất khoảng 6 - 7 tháng để thực hiện 11 bước), ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn.
Theo dự kiến, việc phân cấp như dự thảo Luật sẽ cắt giảm được nhiều trình tự, thủ tục (giảm được 5 bước, giảm thời gian khoảng 3 tháng), sớm điều chỉnh kế hoạch vốn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Quy định trên của dự thảo Luật cũng bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp, thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước về thẩm quyền điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước.
Đại biểu Lê Minh Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang ủng hộ chủ trương phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), tuy nhiên, theo đại biểu cần đánh giá kỹ lưỡng để phân cấp phân quyền. Theo đó, cần bám sát chức năng, nhiệm vụ, vai trò của cơ quan được phân quyền để không có những sự thay đổi lớn về chức năng cơ bản của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống; không phân quyền quá mức để làm giảm bớt quá phần việc của các cơ quan cấp trên. Ngoài ra, cần xem xét đến khả năng thực hiện quyền được phân cấp và điều kiện tổ chức thực hiện của các đơn vị được phân quyền.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn bảy tỏ tán thành với dự thảo Luật sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng, bao gồm 05 nhóm vấn đề lớn, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Từ thực tiễn tại địa phương, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện đang thực hiện dự án Cầu Kênh Vàng nối Bắc Ninh và Hải Dương. "Trước đây đã có chủ trương của Quốc hội về dự án này, nhưng quy trình, thủ tục mất đến gần 3 năm, đến vừa qua mới khởi công được". Do đó, đại biểu đề nghị, với những địa phương đã cân đối được ngân sách, có điều tiết về Trung ương và có nhu cầu phát triển các hạ tầng chiến lược liên vùng để bảo đảm kết nối vùng thì việc quy định cho UBND cấp tỉnh làm chủ đầu tư các công trình liên vùng là cần thiết, UBND cấp huyện làm chủ đầu tư các công trình giữa hai, ba huyện cũng là cần thiết".
Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công theo như Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng nội dung dự án Luật đã phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A, B và C.
Bên cạnh đó, liên quan đến đối tượng đầu tư công (tại Điều 5 dự thảo Luật), đại biểu đề nghị làm rõ quy định tại khoản 1 về đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Khi dự án tách ra thành các dự án thành phần thì khi đưa vào trung hạn để thực hiện có được đưa từng dự án thành phần hay không? Vì khi dự án được tách ra được thực hiện ở 02 kỳ trung hạn nếu đưa cả các dự án thành phần vào thì sẽ bị chênh lệch tổng mức đầu tư dẫn đến vi phạm tổng mức đầu tư được chuyển tiếp sang giai đoạn sau.
Về triển khai đầu tư công (Điều 73), đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, tại điểm đ, khoản 1 quy định về trách nhiệm của Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công: “Cân đối các nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 16 Điều 110 của Luật này”, tuy nhiên, trong dự thảo luật không có Điều 110. Đề nghị sửa thành khoản 16, Điều 109 để phù hợp với nội dung này./.
Một số hình ảnh tại phiên họp Tổ 13:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=90500