Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP): Chia sẻ rủi ro là quan trọng nhất?
Cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư là vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm xung quanh dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), có ý kiến cho rằng đây là nội dung quan trọng nhất để thu hút nhà đầu tư.
Tại dự thảo Luật PPP, Nhà nước cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Nhà nước không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, đây là một trong những nội dung được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong dự thảo Luật. Về bản chất, dự án PPP là dự án được triển khai nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công) thông qua đầu tư tư (vốn tư) và/hoặc quản lý tư.
Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được trí thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án do tư nhân đầu tư kinh doanh thông thường.
Nhằm chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét 2 cơ chế; đó là: cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Theo đó, các cơ chế này chỉ áp dụng đối với một số dự án PPP đặc biệt, quan trọng (do Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư), trên cơ sở xem xét cẩn trọng thông qua Hội đồng thẩm định liên ngành cấp trung ương chứ không áp dụng tràn lan cho mọi dự án PPP.
Các cơ chế bảo đảm, chia sẻ rủi ro hay các nội dung mới khác đang được đề xuất trong dự thảo luật được Chính phủ nghiên cứu, tham vấn kỹ lưỡng các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, cá nhân có liên quan…và một lần nữa có thêm cơ hội để được lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Quốc hội và cử tri cả nước. Từ đó, có thêm cơ sở tiếp tục hoàn thiện một dự thảo Luật PPP đảm bảo chất lượng khi được ban hành để có thể đi vào cuộc sống.
Doanh nghiệp cần sự ổn định
Trong khi đó, từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng nguyên tắc rằng các cơ quan, cán bộ nhà nước, dù đại diện ký hay không ký hợp đồng PPP đều phải tôn trọng nội dung của hợp đồng PPP và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng.
Việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư không chỉ trong khâu thực thi pháp luật mà còn cả khi thay đổi pháp luật. Dự thảo hiện chưa có quy định về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật. Đây là một nội dung mà các nhà đầu tư rất quan tâm do sự khó tiên đoán của pháp luật Việt Nam.
Thực tế, điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư, tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư. Trong khi đó, các dự án PPP luôn đòi hỏi sự ổn định về môi trường đầu tư cao hơn rất nhiều. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật.
Cũng theo ông Lộc, một vấn đề nữa cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều về quyền lợi của nhà đầu tư là bảo đảm của Chính phủ đối với dự án PPP quan trọng. Nếu không có các cơ chế bảo đảm đầu tư thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các dự án có mức độ rủi ro cao. Tuy nhiên, nếu áp dụng cơ chế bảo đảm này thì Nhà nước nhận rủi ro về phía mình và nếu không có cơ chế quản lý rủi ro tốt thì có thể sẽ gây những hệ lụy lớn cho ngân sách về dài hạn.
Do đó, dự luật cần bổ sung các quy định để phòng ngừa và quản lý rủi ro của các biện pháp bảo đảm đầu tư này. Chẳng hạn, khi đề xuất các biện pháp bảo đảm thì phải có báo cáo đánh giá rủi ro đối với ngân sách, trong đó lập các kịch bản rủi ro, khả năng xảy ra rủi ro và thiệt hại tối đa mà ngân sách phải chịu. Thiệt hại tối đa theo kịch bản xấu nhất được gọi là giá trị biện pháp bảo đảm. Báo cáo đánh giá rủi ro này phải được Bộ Tài chính thẩm định, được Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định…
Trong khi đó, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, trong lĩnh vực giao thông, cơ chế bảo đảm quan trọng nhất là nhà đầu tư được Bộ GTVT và địa phương bảo đảm lộ trình thu phí. Xung đột giữa nhà đầu tư và người dân địa phương sẽ gây lỗ cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Mại mong rằng, cơ chế đảm bảo này sẽ rõ ràng hơn, cụ thể hơn để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật PPP cần làm rõ cơ chế bảo lãnh, Nhà nước phải cam kết hỗ trợ công trình trong việc giải phóng mặt bằng để có thể tiến hành dự án theo đúng kế hoạch.
“Trong đầu tư theo phương thức đối tác công - tư có thể nói cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nội dung quan trọng nhất. Thiếu cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nguyên nhân chính hạn chế sự hấp dẫn của nhà đầu tư, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài”, GS.TSKH.Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Phần vốn nhà nước sẽ được sử dụng thế nào?
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, Luật cần tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, rõ ràng và đơn giản.
Làm rõ thêm về phương thức quản lý, sử dụng vốn nhà nước, ông Nguyễn Đăng Trương cho biết, cơ chế sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP phụ thuộc vào loại hợp đồng ký kết, do vậy dự thảo luật đã làm rõ các trường hợp, phương thức quản lý, sử dụng vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP theo mục đích sử dụng gồm: hỗ trợ dự án trong giai đoạn xây dựng đối với các loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BOO (xây dựng - sở hữu -kinh doanh), để bảo đảm dự án khả thi về mặt tài chính; thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án dựa trên chất lượng dịch vụ trong các hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).
Trong đó, đối với trường hợp sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ dự án PPP trong giai đoạn xây dựng, việc quản lý hỗn hợp vốn đầu tư công và vốn tư nhân sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải ngân phần vốn nhà nước, giám sát, nghiệm thu hay thực hiện thanh tra, hậu kiểm vì khó tách bạch được “vốn công” và “vốn tư”.
Do đó, Dự thảo Luật quy định 2 hình thức quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP: tách thành một dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP; giải ngân cho doanh nghiệp dự án theo hạng mục cụ thể (có thể tách thành các gói thầu sử dụng vốn đầu tư công) với tỷ lệ, giá trị, tiến độ giải ngân được quy định tại hợp đồng.
Sau khi Luật PPP được xem xét, thông qua sẽ giúp định hình rõ các nguồn vốn và cách thức quản lý phần vốn của Nhà nước tham gia trong dự án PPP, góp phần giúp cho việc thực hiện dự án PPP được minh bạch và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Về nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng vốn nhà nước tham gia dự án PPP nên ưu tiên sử dụng phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
“Nếu không tách bạch được phần vốn nhà nước đầu tư, nhà đầu tư tư nhân sẽ không chỉ chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật chuyên ngành... trong quá trình triển khai thực hiện dự án, mà còn phải tuân thủ các quy định của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước... cũng như trách nhiệm giải trình với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như vậy sẽ gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, tạo tâm lý e ngại khi tham gia vào dự án PPP”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
“Do đó, đề nghị nghiên cứu, làm rõ hơn trong dự thảo Luật hạng mục đầu tư sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước thì áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư công, hạng mục đầu tư sử dụng vốn đầu tư tư nhân thì áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư thông thường, tránh việc thủ tục đầu tư dự án PPP vẫn còn nặng về thủ tục đầu tư công. Như vậy sẽ khó thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cũng như cần tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và giám sát các dự án PPP”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu kiến nghị.