DỰ ÁN LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG (SỬA ĐỔI): BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

Tại Phiên họp thẩm tra Dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Cơ quan soạn thảo đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Dự án Luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Toàn cảnh Phiên họp với hình thức trực tuyến

Toàn cảnh Phiên họp với hình thức trực tuyến

Rà soát tính hợp hiến, hợp pháp của Dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi), Cơ quan soạn thảo - Bộ Nội vụ cho biết, Dự án Luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Các nội dung này đã được cơ quan chức năng đánh giá trong quá trình thẩm định, thẩm tra Dự án Luật.

Về bảo đảm tính thống nhất, phù hợp giữa Dự án Luật với hệ thống pháp luật hiện hành, Bộ Nội vụ đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến Dự án Luật. Về cơ bản, nội dung Dự án Luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Cụ thể:

Tại Khoản 3 Điều 6 dự thảo Luật quy định: “Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng” quy định này phù hợp với quy định tại Điều 20, Điều 21 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng như: Danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, Huân chương Lao động (hạng Nhì, hạng Ba); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (hạng Nhì, hạng Ba); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen cấp Bộ, ban, ngành, tỉnh, các tiêu chuẩn được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật viên chức năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019.

Về khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách, Bộ Nội vụ rà soát Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019; Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, đại biểu Quốc hội chuyên trách còn là cán bộ (khoản 1, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008). Do vậy, việc khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách được thực hiện theo quy định về khen thưởng đối với cán bộ được quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008, trên cơ sở đánh giá cán bộ hàng năm: “Đánh giá cán bộ để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 1 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009): Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể; tại Điều 26 Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thông qua tặng, truy tặng Huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước. Theo đó, Điều 65 dự thảo Luật quy định: Danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình

Tại khoản 1 Điều 77 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 quy định: Tổ chức, cá nhân có thành tích trong sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ được phong, tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, giải thưởng và các hình thức khen thưởng khác của Nhà nước theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; khoản 4 Điều 24 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 quy định: Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia là người nước ngoài có cống hiến lớn đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam được Nhà nước Việt Nam vinh danh, khen thưởng, tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ của Việt Nam. Tại Điều 66 dự thảo Luật quy định: “Giải thưởng Hồ Chí Minh”,“Giải thưởng Nhà nước”để tặng hoặc truy tặng cho tác giả của một hoặc nhiều công trình, tác phẩm đã được công bố, sử dụng kể từ ngày thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 02 tháng 9 năm 1945; tặng hoặc truy tặng cho người nước ngoài có tác phẩm, công trình nghiên cứu về Việt Nam” phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.

Luật Công an nhân dân năm 2018, quy định lực lượng công an gồm: sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ; công nhân công an. Do hiện nay lực lượng công an không có “công chức, viên chức”, dự thảo Luật tiếp thu bỏ đối tượng “công chức, viên chức làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân tại các điều 51, 53, 54 để phù hợp với Luật Công an nhân dân năm 2018.

Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định việc xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Điều 59 dự thảo Luật quy định: Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” để tặng hoặc truy tặng cho những Bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Về tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng, Dự thảo Luật sửa đổi đã quy định: “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; khoản 4 Điều 88 dự thảo Luật quy định: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tại cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tham mưu, tư vấn cho cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về công tác thi đua, khen thưởng. Tại khoản 5 Điều 88 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan chuyên trách thi đua, khen thưởng các cấp là Cơ quan Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp”. Việc quy định trên để thể chế hóa chủ trương của Đảng theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 03/6/1998 của Bộ Chính trị “Về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới” trong đó nêu: “Kiện toàn và đổi mới tổ chức, cán bộ của các cơ quan tham mưu thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến” yêu cầu: “Củng cố hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (là cơ quan thường trực, giúp việc cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương).

Bộ Nội vụ đã tiếp thu, sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 93 dự thảo Luật để phù hợp với Điều 54 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, cụ thể như sau: Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước. Cá nhân được tặng danh hiệu vình dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến, “Anh hùng Lao động” thời kỳ kháng chiến phạm tội thuộc một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị phạt tù chung thân, tử hình thì bị tước danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”,“Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” thời kỳ kháng chiến, “Anh hùng Lao động” thời kỳ kháng chiến. Trường hợp cá nhân được tặng nhiều danh hiệu vinh dự nhà nước bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực tương ứng với các hình phạt nào thì sẽ tước đối với danh hiệu vinh dự nhà nước đó.

Bộ Nội vụ cũng rà soát Luật Thanh niên năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết liên quan đến chính sách đối với thanh niên xung phong: Đội viên thanh niên xung phong có công trạng, thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Như vậy, thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tại dự thảo Luật quy định tặng thưởng: “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang” không mâu thuẫn với đối tượng thanh niên xung phong theo Luật Thanh niên năm 2020. Tuy nhiên, cần xây dựng tiêu chuẩn phù hợp với từng thời kỳ, từng đối tượng và thành tích lập được.

Ngoài ra, về tính tương thích của nội dung Dự luật với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Bộ Nội vụ cho biết, Luật sửa đổi không có nội dung trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=59471