Dự án sửa đổi Luật Công đoàn sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10

Ủy ban Pháp luật đồng ý với đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn thêm 01 kỳ họp, tức trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020), thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3-2021).

Ngày 21-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020.

Trong đó, về dự án sửa đổi Luật Công đoàn, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đồng ý với đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn thêm 01 kỳ họp, tức trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020), thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3-2021).

Theo Ủy ban thẩm tra, việc khẩn trương xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn là để triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27-11-2017 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 735/KH-ĐĐQH ngày 18-1-2018 của Đảng đoàn Quốc hội (yêu cầu thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020 (ảnh: Quốc hội)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020 (ảnh: Quốc hội)

Đồng thời cũng là để phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, trong đó đặt ra nhiều vấn đề cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn.

Năm 2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Tờ trình số 1750/TTr-TLĐ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung dự án Luật này vào Chương trình năm 2020 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Tuy nhiên, ngày 30-3-2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có Công văn đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật này thêm 01 kỳ họp, tức trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020), thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3-2021).

Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là dự án Luật quan trọng, cần tích cực chuẩn bị để trình Quốc hội ban hành. Tuy nhiên, với tiến độ chuẩn bị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam N như vậy chưa bảo đảm đủ điều kiện và không thể kịp trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9.

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chấp thuận đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa dự án Luật này vào Chương trình để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11 nhằm tạo cơ sở pháp lý để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương triển khai thực hiện.

Quá trình xây dựng dự án cần tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Pháp luật như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo; đồng thời nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo đảm việc trình dự án Luật để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã báo cáo.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/du-an-sua-doi-luat-cong-doan-se-duoc-trinh-quoc-hoi-tai-ky-hop-thu-10-189834.html