Dự báo các ngân hàng sẽ đẩy mạnh mua bán trái phiếu doanh nghiệp trước khi Thông tư 16 có hiệu lực

VCBS cho rằng trong thời gian tới, nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng vẫn sẽ tồn tại và được đẩy mạnh trước khi Thông tư 16 đi vào hiệu lực.

Trong báo cáo chuyên đề về Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng trong thời gian tới, nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn sẽ tồn tại.

Theo đó, đây là một kênh tài sản đem lại mức lợi nhuận khá hấp dẫn so với nhiều kênh khác, đặc biệt là khi so sánh với trái phiếu chính phủ (TPCP) vốn đang có mặt bằng lợi suất khá thấp.

Trong ngắn hạn, các chuyên gia nhận định hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đến từ TCTD nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn chuyển tiếp, trước khi thông tư đi vào hiệu lực.

Khi thông tư đi vào hiệu lực từ ngày 15/01/2022, VCBS ước tính thông tư có ảnh hưởng tới khoảng 20% lượng trái phiếu phát hành mới trên thị trường.

Thông tư sẽ định hướng TCTD giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chất lượng, đảm bảo dòng tiền dưới hình thức mua trái phiếu hay cho vay. Đồng thời, quản trị rủi ro tín dụng phát sinh sau này.

"Đây sẽ là những yếu tố cần thiết cho hoạt động mua và nắm giữ dài hạn đối với danh mục TPDN của tổ chức tín dụng," báo cáo viết.

Nguồn: Fiinpro, VCBS.

Thông tư 16 tập trung vào trái phiếu do doanh nghiệp phát hành

Đánh giá về phạm vi điều chỉnh của Thông tư 16, nhóm phân tích cho biết thông tư không quy định việc giao dịch trái phiếu do TCTD phát hành. Điều này cho thấy Thông tư 16 tập trung vào giao dịch trái phiếu do doanh nghiệp phát hành.

Do đó, thông tư này không ảnh hưởng đến các giao dịch trên thị trường sơ cấp và thứ cấp của TPDN do TCTD phát hành (chiếm khoảng hơn 30% quy mô thị trường).

Ngoài ra, các quy định tại thông tư cũng cho thấy sự chặt chẽ khi quy định về trái phiếu của TCTD được kiểm soát đặc biệt, để nhóm ngân hàng này có hành lang pháp lý về hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp rõ ràng.

Thực tế cho thấy một số ngân hàng hiện đang bán TPDN cho công ty con gây ra hiện tượng méo mó thị trường. Với việc ban hành Thông tư 16, các ngân hàng sẽ cần tính toán và có kế hoạch cụ thể về việc giao dịch TPDN của mình, để thực hiện tuân thủ thông tư này.

Đối với hoạt động mua bán TPDN trong ngắn hạn, chẳng hạn TCTD bán TPDN cuối năm và mua lại khi sang năm mới, hoặc ngược lại. Qua đó, TCTD có thể tác động điều chỉnh tăng trưởng tín dụng tại một số thời điểm nhất định.

Thông tư 16 quy định các ngân hàng không được bán và mua lại cùng một trái phiếu doanh nghiệp (trái phiếu thuộc cùng một đợt/lô phát hành sơ cấp cụ thể, không phân biệt thời hạn) trong vòng 12 tháng.

Điều này cho thấy NHNN đặc biệt quan tâm tới chất lượng và tốc độ tăng trưởng tín dụng, cũng như hạn mức tín dụng phù hợp đối với từng ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng có thể sẽ thực hiện mua và nắm giữ dài hạn đối với danh mục TPDN của mình.

Nhìn chung, bộ phận phân tích cho rằng Thông tư 16 định hướng an toàn hệ thống, tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, quản trị hoạt động và hoạt động cấp tín dụng.

Cụ thể, thông điệp đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, và chất lượng tín dụng được đặt lên hàng đầu.

Tiếp đó, các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cũng có những quy định chặt chẽ trong tiêu chí lựa chọn và nguyên tắc giao dịch. NHNN cũng lưu ý đến quy định nội bộ nhằm giám sát và đánh giá định kỳ, cũng như trao nhiều quyền chủ động hơn cho ngân hàng.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/du-bao-cac-ngan-hang-se-day-manh-mua-ban-trai-phieu-doanh-nghiep-truoc-khi-thong-tu-16-co-hieu-luc.html