Dự báo, cảnh báo thiên tai: Giảm thiểu thiệt hại

Năm 2017, Sơn Nam (Sơn Dương) là xã đầu tiên được lắp đặt trạm đo mưa tự động chuyên dùng. Hơn 3 năm vận hành, trạm đã phát huy tác dụng giúp người dân chủ động ứng phó với mưa lũ.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Sơn Nam cho biết, Sơn Nam là vùng “rốn” mưa, những năm trước, mọi thông tin về mưa lũ đều thực hiện bằng biện pháp thủ công nên rất chậm, thậm chí thiếu chính xác. Trạm đo mưa tự động được lắp đặt, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh của cán bộ xã, khi thời tiết có mưa, các chỉ số lượng mưa được cập nhật đầy đủ, chính xác đến tuyệt đối theo từng giờ về máy. Từ những thông tin này giúp xã truyền thông tin cảnh báo trên hệ thống truyền thanh xã đến nhân dân nhanh nhất để chủ động các biện pháp ứng phó.

Các quan trắc viên Trạm Thủy văn Ghềnh Gà, xã Tân Long (Yên Sơn) đo mực nước sông Lô.

Các quan trắc viên Trạm Thủy văn Ghềnh Gà, xã Tân Long (Yên Sơn) đo mực nước sông Lô.

Những ngày này, cán bộ, quan trắc viên của Trạm thủy văn Ghềnh Gà, xã Tân Long (Yên Sơn) cũng túc trực 24/24 tại trạm để theo dõi, đo đạc mực nước, lưu lượng nước chảy trên sông Lô. Theo anh Trần Văn Thanh, quan trắc viên của trạm, thông thường 1 ngày 2 lần trạm thực hiện đo đạc mực nước. Nhưng vào cao điểm của mùa mưa các anh phải túc trực liên tục, cập nhật thông tin để đưa ra các dự báo, cảnh báo thiên tai sớm, chính xác nhất.

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, toàn tỉnh có 1 đài, 4 trạm khí tượng, 5 trạm thủy văn và 28 trạm đo mưa tự động chuyên dùng, trong đó có 19 cơ sở thuộc mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia, còn lại do tỉnh đầu tư lắp đặt. Bà Vũ Thị Thu, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, với hệ thống thiết bị được đầu tư, lắp đặt rộng khắp trên địa bàn tỉnh nên diễn biến thời tiết được cập nhật liên tục, đầy đủ nhất ở từng vùng, từng khu vực. Ngoài ra các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng sớm được nhận định để đưa ra các thông tin cảnh báo mang tính dự báo ở từng mức độ. Theo bà Thu, trung bình mỗi ngày, Đài phát đi 1 bản tin thời tiết, còn khi xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan, hình thái thiên tai nguy hiểm, đặc biệt là dông lốc, mưa lớn, lũ lụt các bản tin được cập nhật, thông tin liên tục với tần suất 3 giờ/lần. Cụ thể như đợt dông lốc, mưa lớn giữa tháng 5 vừa qua, trung bình mỗi ngày Đài phát đi 6 - 7 bản tin dự báo mưa dông, mức độ mưa cùng với đó là các bản tin cảnh báo lũ, sạt lở đất ở các vùng có nguy cơ cao Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên theo từng cấp độ nguy hiểm thiên tai.

Ông Đặng Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Đức (Hàm Yên) cho biết, từ các bản thông tin cảnh báo, dự báo của Đài Khí tượng thủy văn đã giúp xã chủ động phương án đôn đốc người dân sửa sang nhà cửa, di dời ra khỏi vùng nguy hiểm để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản.

Ông Bùi Văn Thanh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, xu thế thời tiết đang có nhiều diễn biến rất bất thường, nhiều loại hình thiên tai xuất hiện dày hơn. Đặc biệt là mùa mưa bão đã bắt đầu, ngành Khí tượng thủy văn tỉnh cần nâng cao hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Các địa phương, trọng tâm là những địa phương nằm trong vùng nguy hiểm thông tin nhanh, kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai nguy hiểm. Người dân cũng phải thường xuyên theo dõi, chủ động các biện pháp ứng phó trong sinh hoạt và sản xuất, để giảm thiểu thiệt hại thiên tai gây ra.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/du-bao-canh-bao-thien-tai-giam-thieu-thiet-hai-132706.html