Dự báo giá xăng dầu có thể giảm nhẹ trong kỳ điều hành ngày 1/3
Trong tuần qua, giá dầu thô liên tục tăng giảm đan xen. Dự báo giá xăng dầu trong nước có thể giảm nhẹ trong kỳ điều hành ngày mai 1/3 theo xu hướng thế giới. Nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 có thể giảm 230 đồng/lít.
Dự báo, nhiều khả năng, ở kỳ điều chỉnh giá xăng ngày mai giảm nhẹ khoảng 250-350 đồng/lít, dầu diesel giảm khoảng 400-500 đồng/lít. Tuy nhiên, mức điều chỉnh cụ thể bao nhiêu còn phụ thuộc vào quyết định sử dụng quỹ bình ổn của cơ quan điều hành.
Nếu cơ quan điều hành không trích lập hoặc chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể giữ nguyên, hoặc thậm chí tăng nhẹ. Trường hợp dự báo trên chính xác, giá xăng sẽ có phiên giảm thứ hai liên tiếp.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật tới ngày 23/2, giá xăng cơ sở tại thị trường Singapore đang giảm mạnh, khoảng 4%. Cụ thể, giá xăng 92 giảm từ 96 USD/thùng, xuống còn 92,21 USD/thùng, xăng 95 giảm từ 99,88 USD/thùng xuống còn 95,63 USD/thùng. Trong khi đó, các mặt hàng dầu có giảm, nhưng không đáng kể.
Vào lúc 6h ngày 28/2, giá dầu WTI giao dịch mức 75,69 USD/thùng, giảm 0,73 USD, tương đương giảm 0,96%. Trong khi đó, dầu Brent giao dịch mức 82,4 USD/thùng, giảm 0,76 USD, tương ứng giảm 0,91%.
Trước đó, vào kỳ điều hành ngày 21/2, giá xăng trong nước đồng loạt giảm 320 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.540 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.440 đồng/lít.
Sáng 28/2, Ủy ban Kinh tế - Quốc hội khóa IV tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu. Theo đó, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ giải trình về các vấn đề liên quan.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước luôn được bảo đảm. Tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước, bảo đảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ quỹ bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.
Về dự trữ quốc gia về xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất giai đoạn năm 2023-2025, nâng mức dự trữ từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.
Để thực hiện phương án này, ngân sách Nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách Nhà nước (hiện nay ngân sách Nhà nước mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia).
Để từng bước giải quyết khó khăn trên, ngày 17/2/2023, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã tổ chức họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Chính phủ xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của NSNN hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.
Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm NSNN sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa theo quy định tại Quyết định số 1030 ngày 13/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Về nhiệm vụ thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối, Bộ Công Thương cho hay, việc thực hiện nhiệm vụ trên đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do hiện nay Nhà nước chưa có Kho dự trữ quốc gia xăng dầu nên phải đi thuê của các doanh nghiệp, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hiện rất thấp, không phù hợp với thực tế.
Bộ Công Thương đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia nhưng không có đơn vị tham gia.
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đề xuất, trước mắt, để công tác bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia không bị gián đoạn, Bộ Công Thương báo cáo thường trực Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp như trước đây để bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với hàng kinh doanh của doanh nghiệp;
Đối với mức phí trả cho doanh nghiệp bảo quản, tạm thời tiếp tục áp dụng mức phí tại Quyết định số 65/QĐ-BKH ngày 17/1/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời đề nghị: Bộ Tài chính sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về xăng dầu dự trữ quốc gia để làm căn cứ cho Bộ Công Thương xây dựng lại định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia bảo đảm phù hợp với thực tế, gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành để tổ chức lựa chọn đơn vị bảo quản riêng;
Cùng với đó, tiếp tục đánh giá kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương thức bảo quản (để chung hoặc để riêng) và xây dựng mức phí bảo quản theo từng phương thức để so sánh, từ đó kiến nghị Chính phủ quyết định phương án bảo quản phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về dự trữ quốc gia xăng dầu cho phù hợp với tình hình thực tế.