Dự báo ngành logistics và cung ứng của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng

Lĩnh vực logistics và quản trị cung ứng Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ với nhiều tiềm năng. Mặc dù còn không ít thách thức, nhưng logistics và cung ứng Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam hiện nay cho thấy sự cải thiện về khối lượng hàng hóa luân chuyển trong môi trường đầy biến động. Tuy nhiên, sự gia tăng này chưa đủ để các doanh nghiệp cải thiện kết quả tài chính, đặc biệt là những công ty bị ảnh hưởng bởi tác động của suy thoái kinh tế trước đây.

Các công ty logistics tiếp tục hoạt động dù đang phải đối mặt với áp lực tài chính nghiêm trọng. Không ít công ty ghi nhận tỷ suất lợi nhuận thấp hoặc thậm chí âm. Lỗ hổng tài chính này khiến nhiều doanh nghiệp trên bờ vực phá sản. Điều này khẳng định tầm quan trọng của chiến lược và sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính.

Thị trường logistics quốc tế đang có nhiều biến động, chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tăng đột biến gần như cả năm, rồi bắt đầu giảm xuống gần đây. Việc định giá thất thường này khiến thị trường càng thêm khó lường, khiến công tác lập kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp logistics trở nên phức tạp, nhất là doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa toàn cầu.

Lĩnh vực kho bãi của Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. Trong năm 2022 và 2023, Việt Nam chứng kiến các dự án đầu tư kho bãi mới tăng cao nhờ những dự báo lạc quan về tăng trưởng của ngành. Tuy nhiên, những dự báo này không thành hiện thực, dẫn đến tình trạng dư cung kho bãi. Sự dư thừa này cùng với nhu cầu thấp hơn dự đoán dẫn đến nhiều không gian kho bãi không được sử dụng, giá thuê sụt giảm. Xu hướng này còn kéo dài cho đến khi nhu cầu bắt kịp nguồn cung.

Thêm vào đó, ảnh hưởng của bão Yagi cũng làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động logistics và chuỗi cung ứng, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc. Hậu quả từ những thảm họa thiên nhiên như vậy một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị sẵn sàng cho thiên tai và khả năng phục hồi trong lập kế hoạch hoạt động.

Áp lực kinh tế đối với các công ty logistics và chủ hàng vẫn chưa hạ nhiệt trong môi trường kinh doanh đầy thách thức và chi phí vận chuyển quốc tế liên tục biến động. Tình hình này khiến triển vọng lợi nhuận trở nên mờ mịt, buộc các công ty phải tăng cường giám sát tài chính.

Trong tương lai, thị trường có xu hướng hợp nhất khi các công ty nhỏ với tài chính yếu phải chật vật trước áp lực kinh tế, mở đường cho các công ty lớn mở rộng thị phần. Xu hướng hợp nhất này có thể giúp thị trường duy trì sự ổn định, nhưng mức giá thấp vẫn sẽ duy trì trong ngắn hạn đến trung hạn do tình trạng dư cung hiện có.

Đổi mới sáng tạo là một trong những động lực chính của tăng trưởng trong hoàn cảnh bình thường. Tuy nhiên, các khoản đầu tư vào đổi mới sẽ hạn chế khi các công ty ưu tiên hoạt động kinh doanh và thách thức trước mắt hơn các sáng kiến chiến lược dài hạn.

Trước những gián đoạn có xu hướng lặp đi lặp lại, bao gồm cả những thảm họa thiên nhiên như bão Yagi, có thể là chất xúc tác cho một sự thay đổi cấp thiết theo hướng xây dựng khả năng phục hồi cao hơn. Điều này đòi hỏi phải tăng cường đầu tư hạ tầng, đa dạng hóa cơ sở vật chất cũng như tinh chỉnh các hoạt động quản lý rủi ro và lập kế hoạch liên tục để chống chọi tốt hơn với khủng hoảng.

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024, lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng ở Việt Nam cũng có tiềm năng tăng trưởng và phát triển mang tính chuyển đổi. Khó khăn có thể thúc đẩy ngành logistics và chuỗi cung ứng phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong dài hạn, khi các công ty buộc phải thích nghi và đổi mới.

Dù vậy, các bên liên quan nên hạ bớt kỳ vọng và nhận thức rằng, con đường phục hồi cần phải tái cơ cấu đáng kể. Trong quá trình đó, có thể một số doanh nghiệp sẽ thất bại trước khi đạt được sự ổn định và tăng trưởng.

Julien Brun (Tổng giám đốc Công ty CEL Consulting)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-bao-nganh-logistics-va-cung-ung-cua-viet-nam-se-tiep-tuc-da-tang-truong-d228263.html