Dự báo nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất trong quý 3/2024

Theo MBS, lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết có thể tăng 16,5% so với cùng kỳ và là trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường.

Ngành ngân hàng được kỳ vọng dẫn dắt tăng trưởng toàn thị trường trong quý 3/2024. Ảnh minh họa

Ngành ngân hàng được kỳ vọng dẫn dắt tăng trưởng toàn thị trường trong quý 3/2024. Ảnh minh họa

Trong báo cáo phát hành ngày 30/9, Chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận toàn thị trường trong quý 3/2024 có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt mức tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái, hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp, tỷ giá giảm mạnh, sản xuất và tiêu dùng đang trên đà phục hồi. Trong đó, lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 16,5% (so với quý 2/2024 tăng 19,5%).

Các ngành đạt mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật gồm bán lẻ (381%), năng lượng (321), bất động sản khu công nghiệp (169%), từ nền thấp cùng kỳ năm 2023. Ngược lại, một số ngành ước tính tăng trưởng lợi nhuận giảm như bất động sản (giảm 3%), do còn thiếu vắng các dự án mở bán; hay dầu khí (giảm 11%), do kết quả kém tích cực ở nhóm doanh nghiệp hạ nguồn.

Đối với ngành ngân hàng, MBS cho biết, tăng trưởng tín dụng quý 3/2024 được dự báo sẽ tiếp tục cải thiện so với quý 2 (đạt 7,38% tính đến 17/9, so với 6% cuối quý 2), nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh. Thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán dự báo sẽ không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Đơn vị phân tích cho rằng biên lãi thuần (NIM) sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ so với nửa đầu năm ở hầu hết các ngân hàng do lãi suất tiền gửi tăng dần trong nửa cuối năm 2024, khi các ngân hàng tăng cường hoạt động huy động vốn trong khi lãi suất cho vay dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Nợ xấu sẽ không tăng so với quý 2 vì dư nợ từ nhóm khách hàng doanh nghiệp vẫn tiếp tục dẫn dắt tín dụng trong quý 3/2024; đồng thời các ngân hàng sẽ giảm tốc trích lập trong nửa cuối năm 2024 do tín dụng từ nhóm khách hàng cá nhân không tăng nhiều. Theo đó, bộ đệm dự phòng được dự báo sẽ giảm do trích lập giảm tốc cùng với việc xóa nợ xấu vẫn sẽ được duy trì như trong 6 tháng đầu năm.

Theo MBS, lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết có thể tăng 16,5% so với cùng kỳ và là trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường. Một số ngân hàng được dự báo có mức tăng trưởng nổi bật như HDB (44%), TPB (35%) nhờ tăng trưởng tín dụng cao; EIB (70%), CTG (40%) nhờ mức nền thấp cùng kỳ.

Đối với ngành bất động sản, MBS cho rằng sẽ phân hóa theo khu vực. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, nguồn cung căn hộ tại TP HCM tiếp tục hạn chế với chỉ khoảng 1.676 sản phẩm mới (giảm 59% so với cùng kỳ) và mặt bằng giá chỉ tăng khoảng 6%. Nguồn cung mới chủ yếu đến từ các dự án cao cấp với pháp lý rõ ràng, của các nhà phát triển nước ngoài tiềm lực mạnh hoặc các giai đoạn tiếp theo của các dự án đã mở bán trong quá khứ.

Trái ngược lại với khu vực phía Nam, Hà Nội chứng kiến nguồn cung mới tăng vọt 176% so với cùng kỳ, đạt 10.841 sản phẩm mới – mức cao nhất trong vòng 5 năm. Mặt bằng giá tại khu vực này cũng tăng mạnh và đang bắt kịp với khu vực phía Nam khi giá đã tăng 22%. Với việc ba bộ luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực, đơn vị phân tích cho rằng sẽ cần thêm thời gian để các địa phương xây dựng bảng giá đất chính thức, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án hơn.

Các doanh nghiệp bất động sản với thị trường trọng điểm phía Nam như NVL, DXG sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh quý 3 khiêm tốn khi thiếu vắng các dự án mở bán mới và tình hình thị trường trầm lắng. Một số doanh nghiệp với các dự án hoàn thiện pháp lý như KDH, NLG sẽ có thể có lợi thế trong thời gian sắp tới dựa vào thời điểm mở bán. Các doanh nghiệp có dự án tập trung tại khu vực phía Bắc như VHM có thể sẽ tiếp tục hưởng lợi từ mức thanh khoản cao và pháp lý hoàn thiện.

Dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý 3/2024 các nhóm ngành.

Dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý 3/2024 các nhóm ngành.

Với ngành thép, MBS cho rằng, trong quý 3/2024, các doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi trong bối cảnh áp lực giảm giá từ thép Trung Quốc tăng mạnh do nhu cầu yếu tại nước này và các thị trường xuất chính như EU, Mỹ có động thái điều tra chống bán phá giá. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa trở thành điểm sáng khi tiêu thụ nội địa tăng trưởng 20% so với cùng kỳ, nhờ đóng góp của thép xây dựng với mức tăng 25%.

Công ty chứng khoán dự báo biên lợi nhuận gộp toàn ngành cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu như than, quặng giảm lần lượt 17% và 12%, trong khi giá thép xây dựng giảm 9%. HPG dự kiến ghi nhận lợi nhuận ròng khoảng 2.257 tỷ đồng (tăng 13%), chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện 1 điểm % lên khoảng 11% và chi phí tài chính giảm 7%. Đối với các doanh nghiệp tôn mạ, lợi nhuận ròng của NKG dự kiến tăng 270% nhờ biên gộp cải thiện lên mức lên mức 7% (từ khoảng 2,5% của năm 2023), trong khi HSG giảm 78% do nền cao trong quý 3/2023.

Sắp tới, MBS nhận định giá thép trong nước có nhiều triển vọng phục hồi nhờ áp lực từ thép Trung Quốc giảm khi Trung Quốc đã tung ra hàng loạt các biện pháp kích thích kinh tế mới nhằm vực lại thị trường bất động sản. Những nỗ lực này có thể khiến giá thép Trung Quốc phục hồi và làm giảm lợi thế về thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở cải thiện và giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh cũng là những động lực tăng trưởng cho giá thép nội địa. Trong quý 4/2024, các doanh nghiệp thép nội địa cũng sẽ trông đợi vào khả năng giành được thị phần nhờ thuế chống bán phá giá kỳ vọng được ban hành vào tháng 12/2024.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/du-bao-nhom-nganh-tang-truong-loi-nhuan-tot-nhat-trong-quy-32024-33876.html