Dù bất cứ lý do nào, rút bảo hiểm xã hội một lần cũng là một nỗi lo

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dù bất cứ lý do nào thì rút bảo hiểm xã hội một lần cũng là một nỗi lo khi an sinh xã hội lâu dài của người lao động không được đảm bảo.

Hạn chế rút để bảo đảm quyền lợi an sinh lâu dài cho người lao động

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần. Theo đó, phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).

Phương án 2 quy định: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thời điểm này, vấn đề quan trọng, căng thẳng nhất với công nhân lao động chính là tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đang có chiều hướng tăng. Vì vậy, một nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của tổ chức Công đoàn là phải tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tiếp đó là giải quyết vấn đề tiền lương, nhà ở cho người lao động.

Chia sẻ quan điểm về 2 phương án rút BHXH một lần, ông Vũ Minh Tiến - Trưởng Ban Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cả 2 phương án đều có những ưu điểm khác nhau. Một phương án cho phép bảo lưu quyền rút BHXH một lần để người lao động giải quyết khó khăn trước mắt. Nhóm ý kiến thứ 2 hạn chế rút, không phải vì mục đích giữ tiền của người lao động mà với mong muốn giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh xã hội, để bảo đảm quyền lợi an sinh lâu dài cho họ.

Theo ông Tiến, dù phương án nào thì điều quan trọng nhất là làm sao có phương án thu hút người lao động tự nguyện và mong muốn không rút BHXH, ở lại hệ thống an sinh xã hội. Điều đó cũng cần kèm theo giải pháp hỗ trợ đối với trường hợp người lao động cần những khoản tiền nóng trước mắt để giải quyết khó khăn trước mắt.

“Tôi cho rằng, giải pháp lâu dài nhất vẫn là tăng lương, tăng thu nhập đảm bảo để người lao động có tích lũy. Khi có tích lũy thì người lao động sẽ không ai muốn rút BHXH một lần” - ông Tiến nêu quan điểm.

Công đoàn không mong muốn người lao động rút bảo hiểm xã hội

Về 2 phương án rút BHXH một lần, theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mỗi phương án đều có những ưu điểm riêng và lựa chọn phương án nào cũng cần kèm theo điều kiện của Chính phủ. Ví dụ việc hạn chế cho rút thì phải với điều kiện kèm theo đó là hỗ trợ về mặt tài chính, tín dụng của Nhà nước để giúp người lao động giải quyết khó khăn.

Cần có hệ thống tín dụng mở rộng và ưu tiên cho đối tượng công nhân. Ảnh minh họa

Cần có hệ thống tín dụng mở rộng và ưu tiên cho đối tượng công nhân. Ảnh minh họa

Ông Hiểu khẳng định, quan điểm mà cơ quan Công đoàn bảo vệ là khi sửa Luật BHXH, dứt khoát không làm suy giảm quyền lợi của người lao động. Đứng ở góc độ là cơ quan bảo vệ quyền lợi của người lao động, ông Hiểu cho rằng, vẫn nên bảo lưu việc được rút BHXH một lần vì đó là quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, mong muốn của tổ chức Công đoàn là hạn chế rút, kèm theo là các giải pháp hỗ trợ tín dụng của Nhà nước để đảm bảo người lao động giải quyết được những tình huống khó khăn, không bị trở thành nạn nhân của tín dụng đen.

Ông Hiểu cho biết, quan điểm của phía Công đoàn là không mong muốn người lao động rút BHXH một lần. Việc người lao động rút BHXH là nỗi lo của tổ chức Công đoàn.

Theo thống kê những năm gần đây, cứ 2 người gia nhập hệ thống an sinh xã hội thì có 1 người rút BHXH một lần. Đây là con số rất đáng lo ngại về an sinh xã hội trong tương lai.

“Bản thân người lao động rút BHXH một lần cũng là nỗi lo, băn khoăn của công đoàn. Dù là bất cứ lý do gì thì rút BHXH một lần cũng khiến an sinh xã hội lâu dài của người lao động không được đảm bảo” - ông Hiểu nhấn mạnh.

Ông cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn Luật BHXH sửa đổi quy định chặt chẽ và có giải pháp kỹ thuật về mặt pháp lý để giảm thiểu người lao động rút BHXH một lần. Còn đối với những người có nhu cầu rút thực sự do khó khăn thì cần có cơ chế hỗ trợ tín dụng từ Nhà nước.

“Quan điểm của chúng tôi là lựa chọn phương án nào khi ban hành quy định phải kèm theo điều kiện của Nhà nước, ví dụ hệ thống tín dụng mở rộng và ưu tiên cho đối tượng công nhân. Hiện nay hoàn toàn vẫn chưa có hệ thống tín dụng dành riêng cho công nhân. Tôi cho rằng, với Việt Nam điều này là rất cần thiết. Chúng ta phải nghiên cứu để hình thành hệ thống tín dụng dành cho nhóm đối tượng này vì nếu chỉ dành cho hộ nghèo, hộ khó khăn thì công nhân rất khó tiếp cận” - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Công đoàn kiến nghị giải quyết sớm việc 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội

Về BHXH, một trong những vấn đề rất lớn mà tổ chức Công đoàn quan tâm là vấn đề 200.000 người lao động đa9ng bị nợ BHXH do chủ phá sản, bỏ trốn mà gần như không có cơ hội đòi lại nếu không có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, Chính phủ. Đây là vấn đề rất lớn mà phía Công đoàn sẽ tiếp tục kiến nghị Đảng, Nhà nước đề xuất chính sách tạo khung pháp lý cần thiết để giải quyết tình trạng này và các tình huống trong tương lai.

Hà My

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-bat-cu-ly-do-nao-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-cung-la-mot-noi-lo-140203.html