Du khách đổi chuyến đi do vé máy bay tăng giá

Nhiều tín hiệu cho thấy ngành du lịch đang phát triển mạnh khi hàng trăm nghìn người đi du lịch dịp đầu hè. Tuy nhiên, nhiều dịch vụ tăng giá khiến doanh nghiệp lo lắng.

Vừa quyết định hủy tour đi Phú Quốc (Kiên Giang), anh Nguyễn Văn Tùng, ngụ huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, không giấu nỗi thất vọng.

“Kế hoạch của gia đình sẽ đi Phú Quốc 2 đêm 3 ngày, đây cũng là dịp để đưa 2 con đi nghỉ dưỡng sau một năm học căng thẳng nhưng giờ buộc phải hủy vì giá vé máy bay quá cao”, anh Tùng cho biết.

"Vỡ kế hoạch" vì giá vé máy bay

Theo anh Tùng, dịp tháng 3 khi có chuyến công tác ở Phú Quốc về đã quyết định hè sẽ cho cả nhà đến đây nghỉ dưỡng vì quá đẹp.

“Hồi đó mình cũng tính toán kỹ vì chi phí máy bay khá rẻ, gia đình rất háo hức, nhưng giờ đã khác. Hiện vé máy bay tăng lên gấp đôi buộc mình phải chuyển hướng đi du lịch”, anh Tùng nói.

Sau khi cân nhắc, anh Tùng quyết định sẽ đi du lịch Đà Nẵng bằng tàu hỏa. “Chi phí cho chuyến du lịch 3 ngày ở Đà Nẵng bằng tàu hỏa chỉ bằng 1/3 so với đi Phú Quốc. Các con cũng rất buồn, nhưng không còn cách nào khác”, anh Tùng nói.

 Gia đình anh Tùng quyết định đi du lịch Đà Nẵng bằng tàu hỏa. Ảnh: N. Loan.

Gia đình anh Tùng quyết định đi du lịch Đà Nẵng bằng tàu hỏa. Ảnh: N. Loan.

Tương tự, chị Nguyễn Hồng Phượng, ngụ TP.HCM, cho biết đã phải hủy chuyến du lịch Quảng Ninh, thay bằng Nha Trang vì chi phí vé máy bay quá đắt đỏ. “Tôi đặt vé máy bay TP.HCM đi sân bay Vân Đồn ngày 8/7, về ngày 12/7 có giá gần 9 triệu. Nếu cả gia đình 5 người đi mất tổng cộng 45 triệu tiền vé. Chi phí quá cao khiến mình không thể kham nổi”, chị Phương chia sẻ.

Gia đình chị Phượng quyết định sẽ đi xe ra Nha Trang du lịch. “Đi xe TP.HCM - Nha Trang 5 người chỉ mất hơn 2 triệu, số tiền rất ít so với chọn du lịch Quảng Ninh”, chị Phượng nói.

Cũng theo chị Phượng, ở các điểm du lịch chị thăm dò đều có chương trình giảm giá, tặng voucher kèm theo để thu hút khách, nhưng cái khó là giá vé máy bay quá cao khiến kế hoạch của gia đình phải thay đổi.

Khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch hay lữ hành cũng lao đao vì giá vé máy bay quá cao. Điều này vô hình trung khiến họ phải thay đổi kế hoạch quảng bá, thậm chí bị khách hủy tour vì giá cả tăng vọt.

Ông Phan Đình Thảo, Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International, cho biết giá vé máy bay tăng cao khiến doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép.

“Biết trước là quy luật cung cầu, nhưng trong giai đoạn các doanh nghiệp đang trong giai đoạn nỗ lực kích cầu thu hút khách mà giá cả tăng cao là điều bất lợi rất lớn", ông Thảo nói.

Doanh nghiệp trong cơn bão giá

Ông Thảo dẫn chứng hồi tháng 3, nếu đặt tour đi Phú Quốc giá vé máy bay khứ hồi chưa đến 2 triệu, còn nay đã tăng gấp đôi.

"Việc tăng giá vé máy bay khiến doanh nghiệp phải tính toán lại để cân bằng thu chi, đồng thời hài hòa giá tour nhằm giữ chân khách”, ông Thảo nói.

Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International thừa nhận doanh nghiệp chịu thiệt thòi khi nhiều đoàn khách đã hủy tour do không kham nổi chi phí phát sinh từ việc giá vé máy bay tăng cao.

“Giá vé quá cao khiến khách không còn lựa chọn các chuyến du lịch xa nhà, thay vào đó họ đi tour gần bằng tàu hỏa hoặc xe khách. Điều này ảnh hưởng lớn đến những thị trường truyền thống, có sức hút lớn như Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long hay Quảng Ninh mà chúng tôi đang khai thác”, ông Thảo cho biết thêm.

Cũng theo ông Thảo, thực tế hiện khách nội địa đang phải chịu cảnh mua giá vé máy bay cao hơn so với một số tour nước ngoài.

 Doanh nghiệp lữ hành đang gặp khó khăn khi giá vé máy bay tăng cao. Ảnh: Unsplash.

Doanh nghiệp lữ hành đang gặp khó khăn khi giá vé máy bay tăng cao. Ảnh: Unsplash.

Trong khi đó, ông Trần Văn Tùng, Tổng quản lý khách sạn Navada Nha Trang, cho biết trong thời gian tới lượng khách nội địa sẽ tăng vì đang là mùa du lịch hè.

“Doanh nghiệp như chúng tôi rất mừng khi nhận được nhiều hỗ trợ của địa phương trong các chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch trong năm 2022. Chúng tôi không kỳ vọng lượng khách sẽ đông như trước dịch vì vắng khách Nga, Trung Quốc. Tuy nhiên, đó cũng là tín hiệu đáng mừng trong giai đoạn du lịch đang khởi sắc thời gian gần đây”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, Tổng quản lý khách sạn Navada Nha Trang thừa nhận giá vé máy bay hiện quá cao khiến doanh nghiệp lưu trú như Navada gặp khó khăn.

“Khó khăn thì nhiều, nhưng cái dễ thấy rõ nhất hiện nay của doanh nghiệp du lịch là giá vé máy bay nội địa từ Hà Nội, TP.HCM đến Nha Trang tăng chóng mặt. Điều này đã làm cho chi phí tour tăng cao, trong khi giá phòng khách sạn của Nha Trang đang rẻ hơn các địa phương như Đà Nẵng, Phú Quốc”, ông Tùng phân tích.

Theo ông Tùng, giá cả tăng cao, giá phòng vẫn ở mức thấp trong khi doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ để thu hút khách.

Trong khi đó, ông Trần Minh Đức, Phó giám đốc Công ty CP Long Phú, Chủ tịch hội lữ hành Khánh Hòa, cho biết các doanh nghiệp đang rục rịch tăng giá dịch vụ, tour tuyến để cân bằng chi phí với đà tăng giá của thị trường, trong đó có chi phí xăng dầu, vé máy bay.

“Xăng dầu, giá vé máy bay tăng quá cao khiến chúng tôi đứng trước việc phải tính toán lại chi phí, tuy nhiên doanh nghiệp cũng phải đắn đo. Bởi trong hoàn cảnh chi phí tour ngày càng tăng nhưng doanh nghiệp vẫn phải hạ giá dịch vụ để kích cầu, thu hút khách và đây là bài toán khó”, ông Đức nói.

Các doanh nghiệp cho rằng trong giai đoạn này Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần có giải pháp để giá xăng, giá vé máy bay xuống ở mức có thể chấp nhận được. Đồng thời cũng cần có các gói hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại trước khi ngành du lịch mở cửa hoàn toàn.

Theo công bố mới đây của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Đồng thời, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm, số lượng khách mà các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đã tăng 56,1% so với cùng kỳ và dự kiến trong cả năm 2022, con số sẽ tăng 185% so với năm 2021.

Xuân Hoát

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/du-khach-doi-chuyen-di-do-ve-may-bay-tang-gia-post1333871.html