Dự kiến không cho phân lô bán nền tại các huyện ngoại thành TPHCM

Sở Xây dựng TPHCM đề xuất chủ đầu tư dự án bất động sản phải đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nhà ở, sau đó mới thực hiện thủ tục chuyển nhượng.

Dự kiến không cho phân lô bán nền tại các huyện ngoại thành TPHCM

Dự kiến không cho phân lô bán nền tại các huyện ngoại thành TPHCM

Sở Xây dựng TPHCM đang lấy ý kiến trong dự thảo Quyết định của UBND Thành phố quy định chi tiết việc xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở trên địa bàn Thành phố.

Quyết định này nhằm cụ thể hóa quy định tại Khoản 6 Điều 31 Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

Cụ thể, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định, điều kiện chuyển nhượng đối với đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản (dự án đất nền) là đất không thuộc khu vực phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III; không thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, đối với các khu vực còn lại (xã, thị trấn, huyện), UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng.

Song, trước đó Bộ Xây dựng trước đó cũng có văn bản đề nghị UBND TPHCM tập trung chỉ đạo triển khai việc xác định các khu vực chủ đầu tư dự án bất động sản được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở. Như vậy, xét về mặt hành chính, TPHCM đang có 5 huyện bao gồm: Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh và Nhà Bè, trong đó có 5 thị trấn và 58 xã. Đây đều là những địa bàn phải xác định nơi chủ đầu tư dự án được lập dự án đất nền chuyển nhượng.

 Một dự án đất nền tại huyện Bình Chánh. (Ảnh: Quốc Hải)

Một dự án đất nền tại huyện Bình Chánh. (Ảnh: Quốc Hải)

Tuy nhiên, TPHCM cũng đang xây dựng Đề án “Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) giai đoạn 2021 - 2030", theo đó, từ nay đến năm 2030, các huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng hướng đến các chỉ tiêu đô thị để chuyển lên thành phố trực thuộc Thành phố.

Vì vậy, để tránh sự phân biệt giữa các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và thống nhất việc áp dụng quy định pháp luật trên địa bàn Thành phố, Sở Xây dựng đề xuất chủ đầu tư dự án bất động sản trên toàn địa bàn TPHCM phải đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nhà ở theo quy định, sau đó mới thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân theo quy định.

Đối với các dự án bất động sản có mục tiêu tái định cư bằng nền đất tại khu vực xã, thị trấn, huyện của Thành phố, đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024, chủ đầu tư dự án được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.

"Đề xuất trên để thống nhất công tác quản lý nhà nước về nhà ở và tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án, đảm bảo đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên địa bàn các xã, thị trấn, huyện của Thành phố, đồng thời tránh tình trạng người dân tự xây dựng không phép, sai phép hoặc không đảm bảo Quy chế quản lý kiến trúc" - đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh.

"Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép tràn lan ở các huyện ngoại thành TPHCM thời gian qua là do quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ đã tạo ra bất cập, vướng mắc trong triển khai công tác quy hoạch và xây dựng. Đặc biệt, lợi nhuận từ việc mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền trên địa bàn Thành phố rất lớn, đã xuất hiện một số đầu nậu lợi dụng nhu cầu về nhà ở của người dân đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp để kinh doanh hoặc phân chia một căn nhà thành nhiều căn nhỏ.

Các đối tượng này sau đó thực hiện mua bán dưới hình thức vi bằng dẫn đến tình hình xây dựng trên địa bàn một số quận ven và huyện ngoại thành diễn biến phức tạp, phá vỡ quy hoạch, hình thành đồng bộ, không có xã hội phục vụ lợi ích công cộng... gây mất an ninh trật tự trên địa bàn" - ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thông tin.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/du-kien-khong-cho-phan-lo-ban-nen-tai-cac-huyen-ngoai-thanh-tphcm-post705122.html