Dự kiến sẽ xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua Sân bay Long Thành

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, với đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, hướng tuyến dự án cơ bản đi chung hành lang về phía Đông của tuyến đường bộ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Đến địa phận huyện Cẩm Mỹ, tuyến rẽ trái đi vào đường trục trung tâm Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành.

Theo phương án hướng tuyến được đề xuất, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua Sân bay Long Thành sẽ đi ngầm dưới tuyến đường trục chính sân bay, nhà ga được đặt trước ga T1. Ảnh:P.Tùng

Theo phương án hướng tuyến được đề xuất, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua Sân bay Long Thành sẽ đi ngầm dưới tuyến đường trục chính sân bay, nhà ga được đặt trước ga T1. Ảnh:P.Tùng

Ga hành khách duy nhất của tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh sẽ được đặt tại khu vực trung tâm của Sân bay Long Thành.

Đi ngầm 40m dưới đường trục chính sân bay

Ngày 2-11 vừa qua, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đi khảo sát thực tế vị trí xây dựng nhà ga Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong khu vực Dự án Sân bay Long Thành. Tại chuyến khảo sát này, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI), một trong các thành viên của liên danh tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đã báo cáo phương án hướng tuyến cũng như vị trí xây dựng nhà ga đường sắt tốc độ cao trong Sân bay Long Thành.

Theo đại diện TEDI, theo quy hoạch, về phương án hướng tuyến, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ đi giữa đường trục chính của Sân bay Long Thành. Trong đó, đoạn tuyến dài khoảng 40m phía trước các nhà ga T1 và T2 của Sân bay Long Thành sẽ được thiết kế với phương án đi ngầm dưới tuyến đường trục chính của sân bay này. Đại diện đơn vị tư vấn cho hay, việc thiết kế tuyến với phương án đi ngầm dưới đường trục chính của Sân bay Long Thành nhằm phối hợp với các tuyến taxiway (là đường đi của tàu bay tại sân bay kết nối đường băng với sân đỗ, nhà chứa máy bay, nhà ga) đảm bảo tĩnh không cho các đường băng ngang này.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, với đoạn qua địa bàn tỉnh, bên cạnh tuyến kết nối vào đường trục chính Sân bay Long Thành về ga Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), sẽ bố trí thêm nhánh rẽ phải đi dọc theo đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh lên phía Bắc để kết nối với Ga hàng hóa Trảng Bom phục vụ trung chuyển hàng hóa.

“Phương án hướng tuyến đi ngầm cũng sẽ tạo cảnh quan cho khu vực sân bay. Bởi nếu đi trên mặt đất thì tuyến đường sắt sẽ tạo giao cắt, ảnh hưởng đến không gian cảnh quan” - đại diện đơn vị tư vấn cho hay.

Về vị trí đặt nhà ga của tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại diện đơn vị tư vấn cho hay, nhà ga được đặt ở vị trí ngay trước nhà ga T1 của Sân bay Long Thành. Nhà ga T1 sẽ là nhà ga được khai thác đầu tiên của Sân bay Long Thành nên đặt nhà ga đường sắt tốc độ cao ngay tại vị trí này sẽ đảm bảo tính đồng bộ khi sân bay đi vào khai thác. Mặt khác, do hướng tuyến đường sắt đi ngầm nên dự án sẽ xây dựng các cầu thang đi lên vỉa hè tuyến đường trục chính sân bay, thông qua cầu đi bộ kết nối vào bên trong nhà ga T1.

Trả lời thắc mắc của các thành viên đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về việc do xây dựng sau nên quá trình xây dựng ngầm tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc khai thác của Sân bay Long Thành, Tổng giám đốc TEDI Đào Ngọc Vinh cho hay, việc xây dựng sẽ không ảnh hưởng đến quá trình khai thác của Sân bay Long Thành.

Cụ thể, theo ông Đào Ngọc Vinh, tuyến đường trục chính của Sân bay Long Thành có bề rộng lên đến 125m. Do đó, khi thi công 40m đường sắt tốc độ cao đi ngầm sẽ thi công theo công nghệ đào hở nên sẽ không gây ảnh hưởng.

“Đơn vị tư vấn đã trao đổi rất kỹ với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam về biện pháp và kết cấu thi công đoạn tuyến dự án” - ông Đào Ngọc Vinh cho biết thêm.

Kết nối đô thị hơn triệu dân với sân bay ra sao?

Cũng tại chuyến khảo sát thực tế, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn nêu vấn đề, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ không đi qua thành phố Biên Hòa. Vậy việc kết nối giữa đô thị Biên Hòa với Sân bay Long Thành để phục vụ cho đô thị này nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung sẽ được thực hiện như thế nào?

“Đặt vấn đề tôi là người dân ở thành phố Biên Hòa, muốn đi từ Biên Hòa đến sân bay thì đi bằng phương tiện gì, ngoài ô tô? Phải đặt vấn đề như vậy vì Biên Hòa là đô thị lớn, dân số hơn 1 triệu dân” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn hỏi.

Trước vấn đề được nêu, đại diện TEDI cho hay, trong quy hoạch, ngoài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành thì Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng phê duyệt còn có 2 tuyến đường sắt đô thị kết nối thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh với Sân bay Long Thành. Do đó, trong tương lai, người dân muốn đi từ thành phố Biên Hòa về Sân bay Long Thành có thể sử dụng đường bộ và đường sắt đô thị. Tuy nhiên, tuyến đường sắt đô thị kết nối từ Biên Hòa đến Sân bay Long Thành dự kiến sẽ được đầu tư sau năm 2030 nên trước mắt, phương thức giao thông kết nối chính vẫn là đường bộ.

“Riêng với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, luồng hành khách chính được phục vụ là từ khu vực Trung Bộ, Nam Trung Bộ” - đại diện đơn vị tư vấn cho biết.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202411/du-kien-se-xay-dung-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-qua-san-bay-long-thanh-9cb77c7/