Dự kiến từ đêm 4-11 đến sáng 5-11 bão số 10 đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng - Phú Yên

'Lúc 10 giờ sáng nay, bão số 10 ở vị trí 11,74 độ vĩ Bắc và 116 kinh độ Đông, cách Hoàng Sa 720km cấp 8 (trung bình 10-13km). Trong 2 giờ vừa qua, bão số 10 ít di chuyển và đã giảm 9 cấp, hiện đang ở cấp 9' - Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) diễn ra sáng 2-11, do Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương không chủ quan với bão số 10, cần hết sức linh hoạt, ứng phó với mọi tình huống. Ảnh: Bích Nguyên

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương không chủ quan với bão số 10, cần hết sức linh hoạt, ứng phó với mọi tình huống. Ảnh: Bích Nguyên

Bão số 10 gây gió mạnh và sóng biển cao 5-7m

Theo ông Khiêm, bão số 10 khó dự báo hơn 4 cơn bão vừa qua do còn chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài là động lực và nhiệt lực. “Với 2 yếu tố tác động như vậy, dự báo trong 2 ngày tới, cường độ bão đạt cấp 8 và một dự báo khác cường độ bão đạt cấp 9. Khi đổ bộ vào đất liền sẽ đạt cấp 7” - ông Khiêm nói.

Điều cần lưu ý là gió mạnh trên biển Đông cấp 8-9, sóng biển rất nguy hiểm cho tàu thuyền. Khi vào bờ, gió cấp 8, giật cấp 11, sóng biển 5m. Mưa của đợt này vẫn tập trung ở khu vực vừa chịu ảnh hưởng bão số 9. Mưa do hoàn lưu bão số 10 tập trung chủ yếu ở khu vực vừa bị ảnh hưởng bão số 9. Từ chiều ngày 4 đến 6-11 từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và một số tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa từ 100-150mm. Đợt mưa thứ 2 sẽ dịch ra phía Bắc Trung Bộ xảy ra từ ngày 5 đến 7-11, trong đó, tỉnh Quảng Trị có mưa 150 đến 350mm. Với kịch bản mưa như vậy, lưu ý lũ trên một số sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi có thể lên mức báo động 3.

Không được chủ quan với bão số 10

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, bão số 10 khi vào đất liền sẽ gây mưa lớn từ Nghệ An trở vào do đó không được chủ quan. Cả một tháng qua, khu vực miền Trung đã có mưa lớn, cần theo dõi sát sao diễn biến cơn bão số 10 để kịp thời điều chỉnh phương án ứng phó. BĐBP và Tổng cục Thủy sản, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương cần phối hợp kêu gọi tàu thuyền ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Nhắc lại việc 2 tàu Bình Định bị chìm 23 thuyền viên bị mất tích ngày 27-10, Phó Thủ tướng yêu cầu phải hướng dẫn các tàu thuyền ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nuôi trồng thủy sản; đảm bảo an toàn cho các tàu đang tìm kiếm, cứu nạn tại khu vực 2 tàu Bình Định bị chìm do bão số 9.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực có nguy cơ sạt lở đất trước khi bão đổ bộ vào bờ. Khắc phục ngay các sự cố công trình giao thông, hệ thống thông tin liên lạc. Bảo vệ và vận hành an toàn hồ đập đê điều vì liên quan đến tính mạng của nhân dân và tài sản của nhà nước.

Tập trung lực lượng, sẵn sàng phương châm 4 tại chỗ, có sự hỗ trợ của lực lượng chủ lực là Quân khu 4, Quân khu 5, các lực lượng công an, các bộ ngành. Tiếp tục tập trung tìm kiếm, cứu nạn trên đất liền và trên biển. “Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tập trung xây dựng bản đồ đánh giá nguy cơ sạt lở đất. Bằng mọi cách phải giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất. - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.

Còn 1.255 tàu đang hoạt động trên biển

Phát biểu tại cuộc họp, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP cho biết, hiện BĐBP đang tổ chức lực lượng chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm, cứu nạn vụ sạt lở đất tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), Nam Trà My và một lực lượng đang tìm kiếm tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam).

Để ứng phó với bão số 10, các đơn vị BĐBP từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa đã thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 49.585 tàu/233.270 ngư dân biết để di chuyển vòng tránh. Hiện, 1.255 tàu/12.767 lao động hoạt động trên biển biết diễn biến của bão và đang di chuyển phòng tránh.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị Biên phòng thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Hiện tại, chỉ huy các đồn Biên phòng và chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị Biên phòng không cử cán bộ đi tuần tra biên giới khi đang có mưa lũ và có nguy cơ sạt lở đất đá.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Bích Nguyên

Thiếu tướng Lê Quang Đạo phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Bích Nguyên

Hiện, BĐBP có hơn 1.800 điểm đóng quân. Thời gian qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các tỉnh rà soát các đơn vị thuộc quyền đang đóng quân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, lũ lụt cao, đề xuất biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn. Trong đó, đã tổ chức di chuyển đến nơi an toàn 30 đơn vị.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo cho biết thêm, sau bão số 9, các đơn vị Biên phòng tiếp tục bám nắm địa bàn, tổ chức cấp phát thuốc, khám chữa bệnh cho người dân, tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình neo đơn, đồng thời giúp người dân sửa chữa nhà cửa.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo khẳng định, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Bộ Tư lệnh BĐBP quyết tâm chỉ đạo Biên phòng các tỉnh thực hiện tốt công tác ứng phó với bão số 10 đảm bảo an toàn, tính mạng tài sản của BĐBP và tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra trên địa bàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với tài sản Nhà nước, quân đội, nhân dân và thiệt hại về người.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/du-kien-tu-dem-4-11-den-sang-5-11-bao-so-10-do-bo-vao-khu-vuc-da-nang-phu-yen-post434760.html