Dự kiến vượt chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất công nghiệp 2022

Những năm qua, Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; phát triển hạ tầng phục vụ công nghiệp; thực hiện thu hút đầu tư hiệu quả. Với đà tăng trưởng và những tín hiệu lạc quan, Thái Nguyên được dự báo sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất công nghiệp năm 2022.

Đón nhận dòng vốn đầu tư lớn vào các khu, cụm công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong 9 tháng năm 2022 đạt gần 673,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ và bằng 73,2% kế hoạch cả năm. Chia theo từng ngành sản xuất, chiếm tỷ trọng cao nhất vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 670,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 99,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp), tăng 11,7%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2%; công nghiệp cung cấp nước; xử lý rác thải, nước thải đạt 462,5 tỷ đồng, tăng 5,7%. Riêng công nghiệp khai khoáng đạt 679,1 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, với kết quả đã đạt được thì giá trị sản xuất công nghiệp trong quý IV.2022 chỉ cần đạt 246,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ là hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra của cả năm 2022.

Kỹ sư vận hành thiết bị tại Nhà máy chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo)

Xét về cơ cấu đóng góp của các địa phương, TP. Phổ Yên tiếp tục là đầu tàu về sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, với giá trị sản xuất và xuất khẩu luôn chiếm trên 90% của cả tỉnh. Sau khi từ thị xã trở thành thành phố, Phổ Yên tiếp tục đón nhận dòng vốn đầu tư lớn vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Nổi bật nhất là Tập đoàn điện tử Samsung (Hàn Quốc) đã quyết định tăng vốn đầu tư vào Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (thuộc Khu công nghiệp Yên Bình) thêm 920 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đầu tư Nhà máy Samsung tại TP. Phổ Yên đã tăng từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD. Một số địa phương khác dù giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ hơn nhưng cũng có sự tăng trưởng rất khả quan như: TP. Sông Công đạt gần 5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4%; Đồng Hỷ đạt trên 1,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,48%; Phú Bình đạt trên 16,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1%...

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh

Những kết quả trên cho thấy, định hướng chiến lược đúng đắn và sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong trong cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng, việc tăng cường đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực. Những năm qua, Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; phát triển hạ tầng phục vụ công nghiệp; thực hiện thu hút đầu tư hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy có 54,4% số doanh nghiệp được hỏi đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý III.2022 tốt hơn quý II.2022; 29,4% cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và chỉ 16,2% đánh giá gặp khó khăn hơn.

Về dự kiến tình hình sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm 2022, 60,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt lên; 26,5% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ 13,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Đối với lĩnh vực xây dựng, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với cùng kỳ năm 2021 và dự đoán những tháng cuối năm 2022 sẽ tiếp tục tốt hơn cũng chiếm đa số, với tỷ lệ lần lượt là 64,7% và 50%. Điều này cho thấy, về cơ bản cộng đồng doanh nghiệp trong diện khảo sát đều khá lạc quan về tình hình sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Với đà tăng trưởng và những tín hiệu lạc quan từ phía doanh nghiệp, Thái Nguyên được dự báo sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất công nghiệp năm 2022. Tuy vậy, trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, các cấp, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh không chủ quan, tích cực triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Cụ thể, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính; thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh, tạo thuận lợi về vốn cho doanh nghiệp. Đây sẽ là những trợ lực rất quan trọng để công nghiệp Thái Nguyên tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030 theo mục tiêu đề ra.

Thảo Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/du-kien-vuot-chi-tieu-ke-hoach-ve-san-xuat-cong-nghiep-2022-i304767/