Dù kinh tế chịu tác động của đại dịch nhưng giá bất động sản liên tục tăng
Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi về thị trường bất động sản năm 2021.
Sáng 5-6, tại TP HCM diễn ra Hội thảo chuyên đề với chủ đề: "Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản" do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Hội thảo dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Có khoảng 300 đại biểu tham dự, gồm lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; một số tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học; hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới".
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2021 cả nước có 282.105 giao dịch bất động sản thành công, trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 111.640 giao dịch, giảm 3,3% so với năm 2020 (tổng lượng giao dịch giảm mạnh trong quý 3-2021).
"Mặc dù nền kinh tế chịu tác động của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền liên tục tăng từ đầu năm 2021" – ông Nguyễn Đức Chi nhìn nhận.
Cụ thể, đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Trong quý 1-2022, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công là 20.325 giao dịch, chỉ bằng khoảng 45,5% so với quý 4-2021 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, việc tăng giá trên thị trường bất động sản được cho là do yếu tố cung cầu, nguồn cung của thị trường chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, dẫn đến giá nhà tăng (nhu cầu nhà ở của người dân tăng trong bối cảnh đô thị hóa nhanh là xu thế chung của sự phát triển). Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc tăng giá nhà ở là do đầu cơ, tích trữ của một bộ phận nhà đầu tư.
Mặc dù có sự tăng trưởng nhanh, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, thị trường vốn, thị trường bất động sản vẫn còn tồn tại, hạn chế.
"Đối với thị trường vốn, có thể thấy thị trường phát triển chưa sâu, dễ bị tác động bởi yếu tố tâm lý, ảnh hưởng của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Đối với thị trường bất động sản, diễn biến thời gian qua và gần đây nhất là các vấn đề về giải phóng mặt bằng, trường hợp đấu giá đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm – TP HCM đã cho thấy vẫn còn những hạn chế nhất định" – ông Nguyễn Đức Chi phân tích.
Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết thêm thời gian qua, việc huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn rủi ro cho thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn, thị trường bất động sản nói riêng. Nguyên nhân vì việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao thiếu thông tin, kém minh bạch, có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp bất động sản. Hậu quả sử dụng vốn thấp và thị trường bất đống sản không thuận lợi cũng khiến dòng tiền trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn của doanh nghiệp khó khăn...
Do đó, cần thiết phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản lành mạnh, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý đến triển khai các giải pháp điều hành và quản lý, giám sát thị trường.
Sáng 5-6, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 cũng diễn ra 2 hội thảo chuyên đề khác là: phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid 19; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.