'Du lịch - Cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên tiềm năng, lợi thế vùng ĐBSCL'
Trong khuôn khổ hoạt động Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019, ngày 10-11, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo 'Du lịch - Cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên tiềm năng, lợi thế vùng ĐBSCL'.
Tham dự có ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Lâm Văn Mẫn - Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Viện Ứng dụng công nghệ; lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh; đại diện Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và các doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch.
Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Chí Bảo
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe thạc sĩ Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt phát biểu tham luận về giải pháp xây dựng sản phẩm độc đáo và khai thác thị trường du lịch vùng ĐBSCL. Đồng thời, được nghe nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia là lãnh đạoViện Khoa học Công nghệ, Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam,Giám đốc Sài Gòn Innovatinon Hub đánh giá thực trạng sản phẩm du lịch, thị trường du lịch và công tác xúc tiến quảng bá du lịch tại vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng; đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến và khai thác sản phẩm phát triển du lịch ở tỉnh Sóc Trăng…
Các lãnh đạo dự hội thảo kích hoạt Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo online INNOTEK tại vùng ĐBSCL. Ảnh: Chí Bảo
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lâm Văn Mẫn cho rằng, để du lịch Sóc Trăng phát triển xứng tầm, cần có sự liên kết, hợp sức với các tỉnh, thành phố trong vùng và có giải pháp trong quy hoạch phát triển du lịch, đảm bảo thực thi với tầm nhìn dài hạn, hiệu quả và bền vững, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, cần tập trung đẩy mạnh đầu tư vào kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư các sản phẩm du lịch mới, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa với tính chất sản phẩm đặc trưng, phát triển các điểm du lịch tạo điểm nhấn kết nối các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, cũng như kết nối với các tuyến du lịch lữ hành quốc tế. Cần thiết tham vấn, hỗ trợ của các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế để phát triển ngành Du lịch một cách bền vững và lâu dài, đặc biệt là phát triển khoa học và công nghệ chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ công chức và người dân về du lịch; kêu gọi nhà đầu tư chiến lược có uy tín đầu tư vào du lịch, phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch.
Đồng chí Lâm Văn Mẫn cũng mong muốn thời gian tới lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ cho vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng phát triển các hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lồng ghép các nội dung của đề án vào các chương trình phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn với quá trình triển khai với Đề án Hệ tri thức Việt số hóa.
Tại hội thảo, Cục Sở hữu trí tuệ công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng; các lãnh đạo dự hội thảo kích hoạt Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo online INNOTEK tại vùng ĐBSCL.