Du lịch Đà Nẵng cần thiết kế tour phù hợp để kích thích chi tiêu của khách tàu biển

Mùa khách tàu biển đến Đà Nẵng thường bắt đầu từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 năm sau, nhưng thời gian lưu lại thành phố thường rất 'chớp nhoáng', hầu hết gói gọn trong một ngày. Nghĩa là việc móc hầu bao chi tiêu, trải nghiệm của phân khúc khách du lịch đường biển chưa nhiều. Thực tế này đòi hỏi ngành du lịch phải tạo những hấp lực mới để lượng khách này lưu lại lâu hơn thay vì đi tour trong ngày hoặc ngủ trên tàu.

Dự kiến năm 2024 Đà Nẵng sẽ đón hơn 40.000 lượt khách tàu biển đến tham quan, du lịch, tăng 120% so với năm 2023.

Dự kiến năm 2024 Đà Nẵng sẽ đón hơn 40.000 lượt khách tàu biển đến tham quan, du lịch, tăng 120% so với năm 2023.

Đại diện các đơn vị lữ hành chuyên khai thác khách du lịch đường biển cho biết, khách du lịch tàu biển lưu lại Đà Nẵng trong thời gian ngắn, thường từ 10-12 tiếng, thậm chí có một số tàu hạng sang lưu lại cảng qua đêm nhưng khách ngủ trên tàu. Thời gian của khách khi rời tàu chủ yếu là tham quan các danh lam thắng cảnh gần, trải nghiệm dịch vụ, văn hóa địa phương và mua sắm đơn giản tại các chợ du lịch. Chính vì vậy, những năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố đã xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của du khách. Sản phẩm phổ biến và được nhiều du khách lựa chọn nhất là city tour (tham quan thành phố) và mua sắm tại chợ Hàn. Với 30-45 phút, mỗi tour xích lô sẽ đưa khách trải nghiệm, khám phá không gian thành phố tại các điểm vệ tinh của sông Hàn như cầu Rồng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà thờ Chánh Tòa, Công viên APEC rồi kết thúc bằng việc mua sắm ở chợ Hàn. Với tour này, tài xế xích lô du lịch sẽ “vào vai” hướng dẫn viên du lịch sau khi đã tham gia các khóa bồi dưỡng ngoại ngữ giao tiếp cơ bản, kiến thức, kỹ năng ứng xử văn minh trong phục vụ du khách.

Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, thành phố là một trong những trung tâm du lịch thu hút khách tàu biển ở miền Trung nhờ có lợi thế về danh thắng, điểm tham quan cũng như cơ sở hạ tầng có tính kết nối thuận tiện. Đây là dòng khách có mức chi tiêu cao, thường thích các sản phẩm du lịch liên quan đến văn hóa địa phương, ẩm thực vùng miền đặc trưng. Cùng với việc lên kế hoạch kết nối, hợp tác với các hãng tàu trong việc đưa khách đến Đà Nẵng, ngoài các sản phẩm hiện có, Hiệp hội phối hợp Sở Du lịch khảo sát và bổ sung thêm vào một số sản phẩm mới như tour tham quan Bà Nà trong ngày, tour du lịch làng quê, tour sinh thái cộng đồng. Các tour được xây dựng dựa trên thói quen du lịch của khách tàu biển, sau đó giới thiệu đến các hãng tàu và điều chỉnh phù hợp với thời gian, lịch trình cũng phù hợp với các thị trường khách.

Đà Nẵng cần thiết kế thêm nhiều sản phẩm cho phân khúc khách tàu biển. Trong ảnh: Du khách đến Đà Nẵng bằng tàu biển tham quan, mua sắm tại chợ Hàn.

Đà Nẵng cần thiết kế thêm nhiều sản phẩm cho phân khúc khách tàu biển. Trong ảnh: Du khách đến Đà Nẵng bằng tàu biển tham quan, mua sắm tại chợ Hàn.

Theo các doanh nghiệp khai thác khách tàu biển tại Đà Nẵng, đối với dòng khách tham quan ngoại tỉnh khi cập Cảng Tiên Sa thì tour được lựa chọn nhiều nhất là Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn/rừng dừa Cẩm Thanh/làng gốm Thanh Hà và Đà Nẵng – Cố đô Huế. Trong khi đó, nếu chỉ tham quan thành phố thì du khách có thể chọn tour Cảng Tiên Sa - Bà Nà, Bảo tàng Đà Nẵng/Bảo tàng Điêu khắc Chăm - chợ Hàn - Ngũ Hành Sơn - Xích lô du lịch, City tour (Ngũ Hành Sơn - chùa Linh Ứng Sơn Trà - chợ Hàn). Ông Lý Đắc Nam - Giám đốc Cty TNHH MTV Du lịch Khang Huy Holiday Việt Nam, đơn vị vừa đưa 3.500 khách quốc tế đến Đà Nẵng trên tàu biển Costa Serena cho biết, trong khoảng 6 tháng từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 năm sau, công ty chủ yếu khai thác khách đến khu vực miền Trung. Theo kế hoạch, mùa tàu biển năm nay, Cty sẽ đón khoảng 50 chuyến tàu ở cả hai cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) và Chân Mây (Thừa Thiên - Huế). “Đặc thù của khách du lịch tàu biển là thời gian lưu tại điểm đến không quá nhiều, khách lại thích trải nghiệm văn hóa, tham quan, mua sắm. Vì vậy, để khai thác hiệu quả, tăng trải nghiệm cho du khách thì thành phố cần bổ sung thêm các trung tâm mua sắm lớn nhằm kích thích chi tiêu của dòng khách này”, ông Nam đề xuất.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An cho biết, giai đoạn 2015-2019, với sự gia tăng của các chuyến tàu khách cập cảng Tiên Sa, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về tổng số lượt khách du lịch tàu biển đạt 10,3% và về số chuyến tàu đạt 3,8%. Đỉnh cao năm 2019, Đà Nẵng đón 88 chuyến tàu biển với 122.844 lượt khách. Giai đoạn 2020-2022 khách du lịch qua đường biển đạt tỷ lệ thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó năm 2020 có 11 chuyến với khoảng 23.000 lượt khách; năm 2022 có 3 chuyến đón khoảng 500 lượt khách; riêng năm 2021 không có chuyến tàu biển nào. Theo bà An, năm 2024 lượng khách du lịch từ các tàu biển cập cảng Tiên Sa có sự tăng trưởng tốt từ các thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Úc… Đến thời điểm hiện tại, thành phố đón 27 chuyến tàu biển với 32.550 lượt khách đến, tăng 5 chuyến và 14.450 lượt khách so với tổng của cả năm 2023. Theo dự kiến, hết năm 2024 Đà Nẵng sẽ đón hơn 40.000 lượt khách tàu biển đến tham quan, du lịch, tăng 120% so với năm 2023. “Cùng với việc thiết kế các sản phẩm, các tour phù hợp, ngành Du lịch phối hợp các sở, ngành bảo đảm môi trường du lịch an ninh, an toàn, thực hiện các thủ tục nhanh chóng, thân thiện để tạo điều kiện cho du khách đi tham quan, mua sắm, trải nghiệm thành phố”, bà An cho hay.

Bảo Nam

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/du-lich-da-nang-can-thiet-ke-tour-phu-hop-de-kich-thich-chi-tieu-cua-khach-tau-bien-post303770.html